Luận bàn: “Phẫu thuật” hai bệnh viện lãng phí
Ngày 6-11-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 112/CĐ-TTg, chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đối với các dự án, công trình tồn đọng...
Tại công điện này, Thủ tướng “điểm mặt” nhiều dự án, trong đó có Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Năm 2014, Chính phủ đồng ý cho thực hiện Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại T.P Phủ Lý (Hà Nam) là để giảm tải cho cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tuyến cuối, hai dự án đồng khởi công xây dựng vào cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Tổng mức đầu tư của hai Dự án là gần 10.000 tỷ đồng.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai cũng có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi.
Người nhà và bệnh nhân đã từng “mừng hụt” khi khu khám bệnh thuộc Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã chính thức được khánh thành vào tháng 10-2018, thế nhưng chỉ tạm dừng ở “cắt băng” mà chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.
Trong khi cơ sở 1 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai luôn trong tình trạng quá tải, thì tại cơ sở 2 lại "cửa đóng then cài", bỏ hoang trong tiếc nuối của người dân. Đó là sự lãng phí vừa đơn vừa kép.
Cũng xin điểm lại 10 năm qua, lãnh đạo Chính phủ 2 nhiệm kỳ XII và XIII rất quan tâm. Tháng 9-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đến kiểm tra 2 dự án và có nhiều chỉ đạo, quyết liệt tháo gỡ khó khăn.
Về cơ sở KCB được đầu tư mới ở khu vực này, xin nêu thêm một “địa chỉ lãng phí” là Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Lão khoa T.Ư tại xã Khả Phong, huyện Kim Bảng cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2017. Nhưng đến đầu năm 2021, cả hai dự án đã phải tạm dừng thi công và đến nay vẫn chưa giải quyết được vướng mắc, vì chưa có cơ chế, xử lý, điều chỉnh khó khăn liên quan tới dự án.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân 2 Dự án “câu dầm” trong hoang phế, bắt đầu từ việc không hình dung được các phát sinh về thủ tục đầu tư xây dựng, nghiệm thu, thanh quyết toán, giải ngân... Đó là chưa nói, quá trình thi công có nhiều hạng mục phải điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu của 2 bệnh viện nên càng chậm tiến độ.
Dự luận đặt câu hỏi: Dự án lớn như thế, quan trọng và cấp thiết như thế sao lại không hình dung được? Còn ý kiến của đại biểu Quốc hội GS.TS. Nguyễn Anh Trí - với kinh nghiệm từng quản lý bệnh viện công, ông nhấn mạnh: Phải cấp thiết đưa ngay 2 cơ sở y tế này vào hoạt động, vì theo ông, cơ sở vật chất y tế và đặc biệt là máy móc thiết bị y tế nếu không dùng sẽ xuống cấp rất nhanh, đặc biệt, trang thiết bị cứ 2 năm sẽ lạc hậu, nên nếu chỉ bàn mà không giải quyết thì sẽ là "lãng phí kép".
Theo ông Trí, chuẩn bị toàn bộ tư liệu về đầu tư, đất đai, trang thiết bị, hư hại… làm bằng chứng để xử lý lãng phí, chỗ nào chưa hoạt động được do xuống cấp thì “khoanh lại”; hoặc đề xuất đầu tư bổ sung để đưa bệnh viện vào hoạt động càng sớm càng đỡ lãng phí...
Tại phiên họp Chính phủ ngày 9-11-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xử lý dứt điểm vướng mắc liên quan đến 2 dự án trên và quyết tâm sau 6 tháng nữa sẽ đưa hai dự án vào hoạt động.
Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Tổ công tác Chính phủ bao gồm Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ… để thực hiện rà soát khó khăn vướng mắc, đề xuất phương án tháo gỡ cho dự án tiếp tục xây dựng, phục vụ nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành có phương án khả thi sớm có thể trình cấp có thẩm quyền, có cơ chế giải quyết vướng mắc này. Trên cơ sở đó, các bệnh viện này sẽ tiếp tục xây dựng, đi vào hoạt động.
Tổ công tác Chính phủ và Bộ Y tế đang tiếp tục, khẩn trương rà soát hồ sơ của dự án, đánh giá toàn diện về pháp lý và kỹ thuật liên quan; nghiên cứu, xác định khó khăn vướng mắc cơ bản cần tháo gỡ, trên cơ sở đó đề xuất các phương án xử lý giải quyết.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn: Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong 6 tháng nữa, Bộ Y tế phải hoàn thiện cơ sở 2 của 2 bệnh viện, đưa vào sử dụng với quyết tâm rất cao.
Cũng xin nhắc lại, Kết luận tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chiều 30-10, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần: "Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Qua đó xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan - “Phải có ai chịu trách nhiệm dẫn đến lãng phí chứ?” - Tổng Bí thư nói.
Từ Tâm