Luận bàn: "Phá rào nhận thức" sẽ có hàng chục nghìn công viên
Sau gần 3 tháng, hàng rào Công viên Thống Nhất được UBND T.P Hà Nội quyết định gỡ bỏ, lượng người vào đây vui chơi, tập thể dục lớn hơn trước rất nhiều, nhưng vẫn bảo đảm trật tự an ninh và vệ sinh môi trường. Việc phá rào Công viên Thống Nhất được dư luận đồng tình, ủng hộ, bởi nhờ đó, không gian công cộng rất quý giá giữa Thủ đô đông đúc đã phát huy tối đa công năng, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, góp phần đem lại giá trị cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân.
Nhưng không riêng Hà Nội mà rất nhiều nơi ở nước ta vẫn có những công viên, vườn hoa chưa gỡ bỏ hàng rào, ai muốn vào phải đi vòng rất xa…
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao những khuôn viên công cộng sinh ra để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân mà lại phải quây kín, khiến người dân khó tiếp cận? Ngoài một số công viên có nuôi các loại thú quý hiếm cần bảo vệ thì trong các công viên, vườn hoa công cộng có gì đáng phải kín cổng, cao tường?
Hiện không chỉ có nhiều công viên - nơi dành riêng cho sinh hoạt cộng đồng bị biến thành biệt lập hết sức vô lý, mà ở nước ta còn có hàng vạn khu nhà văn hóa từ thôn, tổ dân phố đến xã, phường… thường xuyên khóa cổng (chỉ mở khi tổ chức các cuộc họp hoặc biểu diễn văn hóa văn nghệ nhân ngày lễ)!
Đặc biệt lãng phí là hầu hết các trường học công lập với không gian rộng rãi, thoáng đẹp chẳng kém công viên, lại có sẵn sân bãi, trang thiết bị phục vụ vui chơi giải trí và thể dục - thể thao, nhưng chỉ phục vụ hoạt động dạy - học. Ngày nghỉ, giờ nghỉ thì nhà trường đóng cổng, không cho nhân dân vào đi bộ, vui chơi... (Lẽ dĩ nhiên, khi mở cổng trường cho người dân vào đi bộ, vui chơi, phải tăng cường công tác bảo vệ và quy định đối với người vào; và cũng chỉ mở cửa trong thời gian phù hợp).
Trong khi đó, đại đa số khu dân cư ở nước ta, nhất là địa bàn đô thị thiếu nghiêm trọng không gian công cộng dành cho hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi lành mạnh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của con người, tạo "lỗ hổng" lớn về đời sống văn hóa tinh thần, thể lực và sức khỏe của hàng triệu người dân; đồng thời dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm, như: Phát sinh bệnh tật, tìm đến văn hóa xấu độc, thậm chí dẫn tới phạm tội, gia tăng người trầm cảm...
Sự lãng phí vô vàn những không gian công cộng như trên là vô cùng lớn, bởi hầu khắp các thôn, làng, khu phố đều sẵn có nhà văn hóa, trường học hoặc các công trình công cộng có thể mở cửa cho nhân dân vào vui chơi trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Còn vườn hoa, công viên chỉ rất ít nơi có và thực tế là nước ta rất khó để xây dựng được đầy đủ công viên, vườn hoa, khu tập luyện thể dục - thể thao tại tất cả các khu phố, làng, xã...
Với quan điểm xuyên suốt "Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh", Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Phải có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân; xây dựng đời sống văn hoá vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền của đất nước… Đối với công tác quản lý nhà nước, cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hoá đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá, xây dựng con người…
Rõ ràng, việc quan tâm cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân là vô cùng cần thiết. Hàng triệu người dân rất mong không riêng Hà Nội và không chỉ gỡ bỏ hàng rào của các công viên, mà tất cả những khuôn viên công cộng không cần thiết phải cửa đóng, then cài như nhà văn hóa, trường học, khu thể thao... trên cả nước cũng cần được mở cửa, gỡ rào, tạo thêm nhiều không gian mở để phục vụ nhu cầu chính đáng, lành mạnh, thiết yếu của nhân dân trong khoảng thời gian phù hợp. Việc này vô cùng hiệu quả và hoàn toàn khả thi, nhất là khi hiện nay hệ thống camera an ninh và nhiều giải pháp công nghệ hiện đại đã có thể làm tốt chức năng theo dõi, bảo vệ. Thực tế, từ năm 2016, "thành phố đáng sống" Đà Nẵng đã yêu cầu tất cả các trường học mở cổng trường, khu tập luyện thể dục - thể thao sau giờ học để phục vụ nhân dân vào vui chơi, giải trí; thời gian mở đối với ngày học từ 17 giờ đến 21 giờ, ngày nghỉ (trừ lễ, tết, chủ nhật) mở hai buổi sáng, chiều.
Như vậy, chỉ cần cấp có thẩm quyền quyết "phá rào nhận thức", bỏ tư tưởng "ôm rơm rặm bụng", "khó quản thì cấm" là đất nước sẽ có thêm hàng chục nghìn công viên phục vụ nhân dân. Việc này rất cần làm ngay bởi Đảng, Nhà nước đang kêu gọi "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung". Đó cũng là thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh".
Cát Huy Quang