Luận bàn: Nhân đạo ở đâu?
Ngày 7-10, Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của người Palestine tổ chức các cuộc tấn công bất ngờ quy mô lớn vào lãnh thổ Israel. Đòn tấn công gây sốc khi lực lượng tình báo được cho là giỏi nhất thế giới của Israel đã không nắm được bất kỳ thông tin nào khiến Israel bị động.
Trong khi cuộc xung đột Israel - Palestine chẳng những không có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn được dự báo sẽ tồi tệ hơn nhiều, khi Israel đã tuyên bố tình trạng chiến tranh và chuẩn bị mở các đợt tấn công toàn diện trên không, trên biển và trên bộ nhằm vào Dải Gaza, câu hỏi mà những người yêu chuộng hòa bình và lẽ phải dấy lên chính là mạng sống con người.
Loài người, theo khoa học hiện đại vẫn là loài linh trưởng tiến hóa nhất, văn minh nhất. Thực tế các cuộc xung đột hiện tại cho thấy loài người lại là loài tàn sát nhau nhiều nhất.
Thực tế là vậy, nhưng loài người tự tin thống nhất được các luật lệ để tự bình ổn môi trường sinh sống của mình. Nỗi buồn là hiện nay có hai luật chính của thế giới để điều chỉnh cuộc sống giữa các quốc gia dân tộc: Luật chiến tranh và Luật nhân đạo.
Lấy cuộc xung đột Israel - Hamas là ví dụ điển hình. Hamas bị Mỹ, Israel và một số quốc gia coi là tổ chức khủng bố. Hamas vừa thực hiện một chiến dịch vô tiền khoáng hậu bằng vũ lực nhắm vào Israel, giết và bắt cóc người Israel. Đây là hành vi đã vi phạm luật nhân đạo, bị lên án là đương nhiên. Đó là chưa nói, theo luật pháp quốc tế, Hamas dù có thuộc hay không thuộc một nhà nước nào, cũng đã vi phạm luật chiến tranh khi không tuyên chiến.
Cụ thể hơn, chiến tranh là chết chóc. Chiến tranh là bên này tiêu diệt bên kia. Tuy nhiên, chiến tranh của thế giới mà chúng ta đang sống đã có luật, gọi là luật chiến tranh. Nghĩa là, khi đã tuyên chiến thì binh lính hai bên có quyền tiêu diệt lẫn nhau. Dẫu vậy, khi binh lính hai bên dùng các loại vũ khí thông thường để hạ đối phương, họ vẫn phải tuân theo những quy tắc của Luật Chiến tranh đã được thừa nhận qua các công ước quốc tế. Ví dụ, họ không được dùng các loại vũ khí bị cấm hay áp dụng các biện pháp ngược đãi tù binh; không được tấn công vào những trường học, bệnh viện, nơi đã được quy định không được phép tấn công.
Luật Chiến tranh hay còn gọi là Luật Xung đột vũ trang đã quy định rõ những điều khoản mà các bên tham chiến phải thi hành. Luật rất cụ thể cả tới các hình thức giam giữ hay tra khảo tù binh… Đó là chiến tranh.
Thế nhưng, Luật Nhân đạo quốc tế, cụ thể hóa bằng các công ước quốc tế mà phần lớn các quốc gia trên thế giới này đã bỏ phiếu thông qua lại bị cả Israel và Hamas phớt lờ. Đó là điều nguy hiểm nhất với xã hội loài người.
Điều đáng buồn hơn là, khi Hamas là một tổ chức kháng chiến vì Palestine bị Mỹ và Israel coi là tổ chức khủng bố, đã hành động sai, nhưng Israel với tư cách là một nhà nước lại vẫn vi phạm!
Israel một mặt tuyên chiến để loại bỏ Hamas, một mặt ra lệnh cho hơn một nửa (hơn 1 triệu) người Palestine phải sơ tán khỏi Bắc Gaza để tránh những đòn tấn công hủy diệt của Israel. Trước đó, để trả đũa các đợt tấn công của Hamas, Israel đã không kích hủy diệt nhiểu tòa nhà, cắt điện, nước… hủy bỏ môi trường sống của người Palestine ở đây, gây ra một thảm họa nhân đạo khiến Liên Hợp quốc và nhiều quốc gia phải nỗ lực sơ tán công dân, hoặc cung cấp nhu yếu phẩm để bảo đảm mạng sống của người dân ở khu vực này.
Niềm tự hào của Israel là khôi phục lại tổ quốc mình bị mất. Và Israel là người Do Thái, đại diện cho niềm tin tôn giáo bị tàn sát trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Có lẽ, họ hiểu hơn hết ý nghĩa thiêng liêng của tổ quốc hay phẩm giá con người.
Điều đáng buồn, dù cuộc xung đột tôn giáo và chủ quyền ở Trung Đông không biết bao giờ sẽ kết thúc, nhưng các luật để cân bằng cuộc sống của loài người không được tôn trọng. Một khi Israel - bị tấn công bời Hamas - lại có những hành động vũ trang vi phạm luật pháp quốc tế, đẩy hàng triệu người Palestine vào cảnh màn trời chiếu đất thì chẳng khác nào vi phạm Luật Nhân đạo quốc tế của một nhà nước.
Hamas vi phạm luật chiến tranh và luật nhân đạo, lẽ nào một quốc gia, nhà nước Israel còn sai hơn khi nã đạn theo kiểu hủy diệt cuộc sống của dân thường Palestine.
Phân tích vậy để thấy những sai sót của những con người, tổ chức cụ thể đã đành, nhưng sai và yếu tố đáng lo ngại hơn chính là thế giới này thiếu một chế tài đủ mạnh để ngăn chặn hay xử phạt những hành động vi phạm Luật Chiến tranh và Luật Nhân đạo quốc tế.
Bởi thế, dân thường trong các cuộc xung đột vẫn là những người chịu đựng khổ đau, trong một thế giới vẫn tự ca ngợi và coi là văn minh! Điều đó đang đặt ra những thách thức với nhân loại, nhưng cụ thể nhất là Liên Hợp quốc - một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế hướng đến các mục tiêu chung.
Nhưng xem ra cơ quan này vẫn chưa có đủ các cơ chế, kể cả tiếng nói, để bảo vệ những người dân thường vô tội trọng các cuộc xung đột!
Ngọc Hải