Luận bàn: “Hai ông lớn”, còn Việt Nam thì sao?

Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), đang diễn ra là cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI).

Cách mạng AI có thể được coi là một phần của CMCN4.0, nhưng cũng có thể được coi là một cuộc cách mạng độc lập, nếu tính những tác động to lớn và không thể đảo ngược của nó đối với toàn bộ loại người.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, nước nào làm chủ công nghệ AI, nước đó sẽ thống trị thế giới. Chính vì vậy, cả thể nói thế giới đang bị hút vào cuộc cạnh tranh quyết liệt về AI.

Tuy nhiên, quan trọng nhất và tác động mạnh mẽ nhất lên thế giới là cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc - tạm gọi là “hai ông lớn”; cả hai đều coi phát triển AI là một trong những xu hướng quan trọng nhất trong thế giới hiện đại, nó có khả năng định hình tương lai của kinh tế, quân sự và xã hội.

Cuộc cạnh tranh này bắt đầu từ những năm 2010, khi Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào AI. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu trở thành một cường quốc AI hàng đầu thế giới vào năm 2030. Còn Mỹ đã thành lập cả Cơ quan Phát triển trí tuệ nhân tạo Quốc gia (NIAID) và Trung tâm AI Quốc gia (NAIC).

Cuộc cạnh tranh AI giữa “hai ông lớn” đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, như đều có các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới; ứng dụng vào chăm sóc sức khỏe, tài chính, giao thông và quân sự; đồng thời định hình các tiêu chuẩn quốc tế cho AI (các tiêu chuẩn này sẽ có tác động đáng kể đến việc phát triển và sử dụng AI trên toàn thế giới).

Hai quốc gia này, nước nào vượt trội AI nước đó sẽ có lợi thế đáng kể về kinh tế, quân sự và công nghệ. Tuy nhiên, “mạnh, yếu” của hai nước không phải hoàn toàn giống nhau, nước nào cũng có những ưu thế và thách thức riêng, nên chắc chắn  cuộc cạnh tranh sẽ tiếp tục còn gay gắt trong những năm tới.

Thật khó để dự đoán “ông lớn nào” sẽ là nước dẫn đầu.

Dựa trên những ưu thế hiện tại, thì Mỹ có lợi thế hơn ở một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển. Còn Trung Quốc lại đang vượt trội về xây dựng một nền tảng AI mạnh mẽ và tiếp cận với nguồn dữ liệu và nhân lực lớn. Nhìn chung, kết quả của cuộc cạnh tranh giữa hai nước vẫn còn là một ẩn số.  

Trong bối cảnh chung trên thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cạnh tranh phát triển AI. Các nhà hoạch định chính sách của nước ta cần nhanh chóng đề ra chiến lược phát triển AI của Việt Nam, nếu chúng ta muốn không bị tụt hậu và không muốn đánh mất độc lập và tự chủ của mình.

Việt Nam có những lợi thế (có thể nói là nhiều) để phát triển AI, bao gồm:

1. Có một hệ thống mạng internet phát triển với tốc độ truy cập nhanh chóng với giá cả rất hợp lý, nếu như không muốn nói “giá kích cầu”. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng các tài nguyên và công cụ AI;

2. Có nguồn nhân lực công nghệ thông tin trẻ và năng động. Nhiều người trong số họ đã được đào tạo tại các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới;

3. Bước đầu có chính sách hỗ trợ phát triển AI, như thành lập quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) để tài trợ cho các nghiên cứu về AI.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực AI. Nhiều công ty và tổ chức Việt Nam đã phát triển các sản phẩm và ứng dụng AI thành công, như: VinAI Research đã phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt có tên là VinVL-BERT, được đánh giá là một trong những mô hình ngôn ngữ lớn tốt trên thế giới; hệ thống nhận dạng khuôn mặt FPT Face ID, được sử dụng trong nhiều ứng dụng thực tế, chẳng hạn như kiểm soát an ninh và nhận diện khách hàng; hệ thống dịch tự động VNPT AI Translate, có thể dịch giữa tiếng Việt và 108 ngôn ngữ khác.

Với những lợi thế và thành tựu đã đạt được, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng Việt Nam có thể trở thành một cường quốc AI trong tương lai.

Tuy nhiên, để phát triển AI thành công, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục và đào tạo, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu phát triển AI. Dưới đây là một số phản ứng chính sách cần thiết:

1. Đầu tư hơn nữa vào giáo dục và đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao (đột biến) cho ngành AI ở hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu sao cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

2. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu phát triển AI, bằng chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

3. Tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia có nền tảng AI phát triển, nhằm giúp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ và nguồn lực tiên tiến, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác.

Với tiềm năng về con người và những nỗ lực như trên, Việt Nam chắc chắn sẽ sớm trở thành một cường quốc AI.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng