Luận bàn: Con “bạch tuộc” trong sở hữu chéo ngân hàng
Còn nhớ,sáng 29-11, trước khi bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua 4 dự thảo nghị quyết quan trọng và yêu cầu có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng.
Còn trong quá trình thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), một trong những vấn đề mà các đại biểu lo ngại cũnglà tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng. Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An đã dẫn chứng từ vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); ông nhấn mạnh: Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Nhất là số tiền bị chiếm đoạt quá lớn, trong thời gian quá dài, số người tiếp tay thì đúng là “từ trên xuống dưới”, dẫn đến tác hại “kỷ lục”, không chỉ cho nền kinh tế đất nước, mà còn làm mất niềm tin của người dân vào hoạt động tín dụng. Ai đời, Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành của Ngân hàng lại bị mua chuộc với hàng triệu USD để che tội cho SCB thì đúng là không còn gì để nói nữa!
Vụ án đã phơi ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động ngân hàng mà “nổi” nhất là tình trạng sở hữu chéo, thao túng, “sân trước, sân sau” trong hoạt động ngân hàng. SCB là một ngân hàng thương mại cổ phần, hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng tại sao lại xảy ra sự việc như vậy? Tại sao một cá nhân lại có thể lách, có thủ đoạn để nắm giữ, chi phối cả một ngân hàng? Đến nay thìai cũng rõ, thủ đoạn của Vạn Thịnh Phát là mượn đứng tên, thành lập các hệ sinh thái, xây dựng lực lượng giả để làm méo mó các hoạt động tín dụng.
Sở hữu chéo trong ngân hàng được các chuyên gia ví như vòi con bạch tuộc, như mê cung - từ đơn giản là ngân hàng này sở hữu ngân hàng khác; đến phức tạp là một vài ông chủ đứng đằng sau thâu tóm, nắm quyền kiểm soát, lũng đoạn một ngân hàng nào đó để cho vay thân hữu; nguy hiểm là chủ yếu tập trung cho vay vào bất động sản. Để né Luật, họ không dùng vốn của ngân hàng này đi góp vốn ngân hàng khác, mà mang vốn ngân hàng này, cho chủ doanh nghiệp khác vay. Rồi dùng vốn đó cho vay chéo, tài trợ góp vốn vào một ngân hàng khác để tăng vốn; khi thị trường trái phiếu bùng phát, trở thành công cụ béo bở cho chủ ngân hàng gópvốn bằng cổ phần, làm tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu lấy tiền, góp tiếp vào các ngân hàng khác...
Thế là tạo ra một hệ sinh thái các doanh nghiệp đằng sau của ông chủ để sở hữu ngân hàng tăng vốn ảo, không mang lại lợi gì cho nền kinh tế, nhưng lại đẩy giá bất động sản lên, tạo thành bong bóng... Bong bóng thì luôn nguy cơ bị vỡ, và khi vỡ, hệ lụy lan sang nền kinh tế.
Một thập niên vẫn không chặn được “sở hữu chéo”
Chính phủ phải thắng thắn thừa nhận, hơn một thập niên qua, vẫn chưa giải quyết xong vấn đề sở hữu chéo trong ngân hàng, dù “Luật Các tổ chức tín dụng” đã từng đưa ra các quy định để ngăn chặn, nhưng rồi vẫn chưa khắc phục được “sở hữu chéo”. Dự thảo “Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)” được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội. Và đương nhiên, vấn đề “chống sở hữu chéo” lại vẫn là vấn đề nóng: “Lần sửa này có chấm dứt được sở hữu chéo hay không vẫn là câu hỏi” -đại biểu Quốc hội Lê Đại Chí nói. Ngay như Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ông Vũ Hồng Thanh cũng băn khoănkhông dám khẳng định là chống được!
Các đại biểu lo ngại như vậy, bởi sự phát triển các công cụ tài chính đã tạo điều kiện cho sở hữu chéo ngày càng tinh vi hơn, không chỉ cho vay trực tiếp mà còn sử dụng công nghệ, kể cả trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục đích chi phối ngân hàng của giới chủ. Lo ngại còn bởi sở hữu chéo, chi phối và thao túng bằng các thủ thuật rất tinh vi, thường là vô hình, trong khi luật đang thiết kế lại dùng các công cụ hữu hình để đối phó, như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phẩn; giảm hạn mức cấp tín dụng; mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ...,như vậy là không hiệu quả.
Nên chăng, để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng thì đầu tiên phải xác định được cá nhân/tổ chức nào là chủ sở hữu thực của ngân hàng; đồng thời xây dựng được khuôn khổ pháp lý nhằm kiểm soát dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân. Từ vụ SCB cho thấy dòng tiền không phải tự nhiên có, mà phải từ cá nhân, tổ chức nào đi ra. Nếu kiểm soát được từ sớm, từ xa, chắc chắn hậu quả không ghê gớm như vậy.
Không thể để “mất bò mới lo làm chuồng” như lâu nay. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp sau. Đây là cơ hội để chặt “vòi con bạch tuộc”, phá mê cung sở hữu chéo; nhưng là Luật khó, phức tạp, chuyên sâu, lại có tầm ảnh hưởng lớn, nêncác ý kiến góp ý cần được Ban Soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu thấu đáo để chỉnh sửa trước khi ký ban hành, mới hy vọng Luật đi vào cuộc sống.
Chí Nhân