Luận bàn Có làng cổ, phố cổ?
Nhưng Đường Lâm giữ lại được không hẳn vì người dân có ý thức, mà vì đó là vùng quê rất nghèo, chẳng có nghề gì ngoài nghề tráng bánh đa và làm kẹo kéo. Nghề kẹo kéo, bánh đa thì không thể “phá làng” được. Và ông Hữu Ngọc có kết luận rất đau xót thế này: “May mà cái nghèo đói đã cứu được cả một mảng văn hóa đang bị hủy diệt”. Còn nói làng cổ, phố cổ, tôi lại ngờ ngợ rằng, không phải chỉ Đường Lâm, mà hình như cả Hà Nội, không có phố cổ mà chỉ có làng cũ, phố cũ. Bao gồm cả phố cũ xưa ta xây và phố cũ sau này Tây xây. Đó là Ba mươi sáu phố phường xưa và những khu phố có biệt thự Tây. Bởi trong khu phố đó có rất nhiều nhà chỉ xây cách đây chừng hơn một trăm năm, hoặc hai trăm năm thì sao lại gọi là phố cổ được?
Ở Nga, có những thành phố cổ như Xuzđan xây dựng cách đây hơn 12 thế kỷ, trong đó có những căn nhà gỗ, tường xếp bằng nguyên cả những cây gỗ, mái cũng lợp gỗ. Trong nhà vẫn còn nguyên cả những đồ đạc có cách chúng ta hơn 1000 năm.
Ở ta, nếu có phố cổ thì chỉ có thể là Hội An. Một khu phố rất lạ. Kiến trúc khá độc đáo. Hội An có một vùng văn hoá riêng, một bầu không khí cũng rất riêng biệt. Hàng tháng, cứ vào đêm 14 là người ta tắt hết điện, thắp đèn lồng. Những căn nhà gỗ trông rất cổ kính. Vào trong nhà không khí khác hẳn, nhiệt độ cũng mát hẳn. Người ta lấy gió tự nhiên làm điều hoà nhiệt độ cho cả căn nhà. Ở đó không có AIDS, không có kẻ cắp, trấn lột và những kẻ lừa đảo. Tóm lại, những cái xấu, cái hỗn tạp của những đô thị hiện đại không du nhập được vào khu phố cổ này. Người dân sống giữa một bầu không khí trong vắt như ở hồi thế kỷ 17. Ngay cả việc buôn bán của họ cũng rất lạ lùng. Tôi mua một cái quần bò. Bà chủ quán hỏi rất cặn kẽ: "Chú định mặc một lần hay muốn dùng lâu dài? " Khi biết tôi thuộc dân "ăn chắc mặc bền", bà chủ quán khuyên tôi nên sang cửa hàng khác. Không xa đâu. Chỉ cách quán bà có ba nhà thôi. Bà bảo đồ của bà không tốt. Chỉ qua vài lần giặt là vải xù ra. Tôi không thấy ở đâu có người bán hàng lạ lùng như thế. Nếu đã mua hàng rồi mà không ưng, hôm sau có thể mang trả lại. Người bán sẽ hoàn lại nguyên tiền, không bớt đi một xu, cũng không hề tỏ vẻ trách móc. Đấy là buôn bán theo lối cổ, ở một thời xã hội trong veo. Hà Nội chẳng bao giờ có chuyện như thế. Đã mua rồi mà trả lại thì sẽ bị trừ tiền, hoặc bị cằn nhằn, chửi rủa rất thậm tệ. Ấy là chưa kể nạn chặt chém. Tôi có anh bạn thân, là một nhà báo rất nổi tiếng. Anh cắt may tặng bạn một bộ comple và bốn bộ quần áo thường phục. Dù có đeo nhãn nước ngoài thì cũng vẫn đồ nội địa, vì nếu may cắt từ Tây Ban Nha thì không thể ba, bốn ngày đã nhận sản phẩm được. Khi thanh toán mới tá hỏa, một bộ Comple với bốn bộ thường phục, vải rất bình thường mà giá 80 triệu đồng, giảm giá 5 triệu, còn 75 triệu. Đó là cái giá tàn bạo. Nếu bình thường, khách hàng có thể làm ầm lên, hoặc công bố vụ chặt chém trên báo chí. Bằng bút lực của một nhà báo có tài, chắc sẽ thành một sự vụ và cửa hàng may đo ấy có thể sập tiệm vì trò lừa đảo. Nhưng bạn tôi không làm thế. Quà tặng, ai lại đi so đo giá cả. Bạn tôi đành nuốt quả đắng và lặng lẽ rút lui. Cửa hàng ấy đã mất một khách hàng lịch sự và phóng khoáng. Với cách làm chụp giật trắng trợn ấy, lối kinh doanh đó rất khó tồn tại được lâu dài. Vì anh ta chỉ lừa được một lần, chứ không thể lừa được mãi.
Trở lại với làng cổ, nhà cổ Hà Nội, theo ông Tô Hoài, Hà Nội không có khu phố cổ nhưng có nhà cổ. Ví như nhà số 38 Hàng Đào và 87 Mã Mây. Hai ngôi nhà cổ này đã được Pháp đầu tư tài trợ để bảo tồn. Có thể rất dễ dàng nhận ra nhà cổ. Nhà cổ có hai cửa. Cửa trước dành cho chủ nhà đi. Cửa sau dành cho gia nhân, đầy tớ, hoặc chuyển phân rác và đồ phế thải. Hà Nội xưa có những vùng riêng biệt. “Thành thị” không phải là một từ chung. Đó là hai khu cụ thể. “Thành” là nơi vua quan ở, còn “thị” là nơi ở của dân chúng, chủ yếu là dân buôn bán, phục vụ cho “thành”. Vua quan trong thành thỉnh thoảng ra đường, nên thường qui định dân chúng chỉ được ở nhà trệt, không làm nhà gác, hoặc nếu có nhà gác thì không được trổ cửa sổ hoặc làm ban-công chìa ra đường, vì vua quan đi ở bên dưới. Không ai được đứng trên đầu vua. Bởi thế, nhà cổ không có ban công hoặc cửa sổ trổ ra đường.
Sao lâu thế chúng ta chưa chịu xác định rõ đâu là phổ cổ, làng cổ, đâu là nhà cổ để gìn giữ, trùng tu; còn đâu là những ngôi nhà cũ để cho dân được tôn tạo, nâng cấp, hoặc xây dựng lại. Bởi nhiều nhà tối tăm, xập xệ quá. Thực chất đó là những khu nhà ổ chuột. Đã thế, vệ sinh lại không bảo đảm, vừa ô nhiễm môi trường, vừa làm mất cảnh quan đô thị..../.
Trần Đăng Khoa
Chủ tịch Hội CCB Đài tiếng nói Việt Nam