Luận bàn: Chuyện vô lý ở ngành y tế!
Ngày 7-2, Bộ Y tế ban hành Công văn số 517/BYT-BH về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 của Chính phủ. Theo công văn này, chỉ tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 5-11-2022 và thời hạn thực hiện không quá ngày 5-11-2023.
Quy định trên đã khiến các cơ sở y tế rơi vào cảnh vô cùng khó khăn, vì lâu nay hầu hết các bệnh viện vẫn sử dụng máy xét nghiệm của đơn vị trúng thầu hóa chất cho mượn, thậm chí nhiều bệnh viện sử dụng tới 80% máy mượn (do không đủ kinh phí tự mua máy). Nếu không tiếp tục thanh toán BHYT cho các dịch vụ kỹ thuật làm bằng máy được đơn vị trúng thầu hóa chất cho mượn thì đồng nghĩa với việc các máy mượn sẽ phải ngừng sử dụng, nhiều bệnh viện sẽ không có đủ máy xét nghiệm. Khi đó, không chỉ quyền lợi của hàng triệu người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn “hỏng” cả chủ trương xã hội hóa y tế với mục đích để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Điều rất bất hợp lý là: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã có quy định cho phép các cơ sở y tế công lập thực hiện tự chủ được mượn trang thiết bị y tế để sử dụng, và luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2024. Nhưng nay cơ quan chức năng lại ban hành văn bản không cho bệnh viện công mượn máy của những đơn vị trúng thầu hóa chất; các xét nghiệm làm trên máy cho mượn không được thanh toán BHYT. Trong khi đó, đặc thù của máy xét nghiệm y tế là hầu hết chỉ dùng được hóa chất cùng hãng, nếu bệnh viện có sẵn máy (hoặc được cho, tặng) thì sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị cung cấp hóa chất độc quyền, dù chất lượng thấp và giá cao cũng vẫn phải mua vì không thể đấu thầu chọn mua loại hóa chất khác.
Chưa kể, việc chỉ thanh toán BHYT đối với những dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo các hợp đồng ký trước ngày 5-11-2022 dẫn đến hệ lụy: Từ ngày 5-11-2022 đến khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực (1-1-2024) các bệnh viện công không có cơ sở để mở thầu và thanh toán BHYT; các nhà cung cấp vật tư, hóa chất cũng không dám tham gia dự thầu. Như vậy, chắc chắn các bệnh viện càng bị thiếu vật tư, hóa chất y tế, ảnh hưởng rất lớn đến công tác KCB.
Trước bất cập nêu trên, các bệnh viện đều đề nghị Chính phủ cần tiếp tục cho phép mượn thiết bị y tế của đơn vị trúng thầu hóa chất để sử dụng theo đúng chủ trương xã hội hóa y tế; tiếp tục thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu. Thực tế là, nếu đơn vị trúng thầu hóa chất cho mượn máy (sau khi đấu thầu công khai) thì cả bệnh viện, bệnh nhân và Nhà nước đều được hưởng lợi, bởi bệnh viện không tốn tiền mua mà lại được lựa chọn loại máy tốt để phục vụ người bệnh, không buộc phải dùng máy cũ sẵn có, do đó kết quả xét nghiệm chính xác hơn.
Đồng thời, Luật Đấu thầu đang sửa đổi cũng cần có quy định về "đấu thầu trọn gói" đối với dịch vụ xét nghiệm y tế trong 5 năm (đủ thời gian khấu hao máy). Đơn vị trúng thầu sẽ cung cấp cả hóa chất và máy xét nghiệm cho bệnh viện; khi hết hợp đồng lại tổ chức đấu thầu tiếp, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh. Làm như vậy, bệnh viện luôn giữ quyền chủ động chọn nhà thầu cung cấp máy và hóa chất tốt với giá hợp lý để nâng chất lượng chẩn đoán, điều trị; Nhà nước không tốn tiền mua máy, vừa tránh tình trạng bệnh viện có sẵn máy xét nghiệm thì càng bị phụ thuộc vào hãng cung cấp hóa chất độc quyền. Thực tiễn nhiều nước đang thực hiện "đấu thầu trọn gói" dịch vụ xét nghiệm y tế và ở nước ta một số lĩnh vực cũng đã làm như vậy.
Việc cần làm ngay nữa là phải yêu cầu tất cả cơ sở y tế công khai các loại máy xét nghiệm đang sử dụng về chủng loại, nước sản xuất, chi phí xét nghiệm, đặc biệt là độ chính xác theo kết quả ngoại kiểm, để người dân được biết và lựa chọn nơi KCB, tránh "tiền mất tật mang". Qua đó, khuyến khích các bệnh viện dùng máy xét nghiệm loại tốt phục vụ nhân dân, thúc đẩy ngành y phát triển.
"Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt. Phải rà soát cụ thể từng quy định của pháp luật cần sửa đổi, bổ sung về tự chủ, xã hội hoá, mua sắm, đấu thầu… để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hiện nay" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh điều này tại cuộc làm việc với Bộ Y tế ngày 9-2 vừa qua. Hy vọng là những quy định bất hợp lý liên quan đến sự phát triển của ngành y sẽ sớm được tháo gỡ, giải quyết một cách căn cơ, bài bản theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta: Sức khỏe và tính mạng của nhân dân phải đặt lên hàng đầu!
Huy Quang