Luận bàn: CCB trong kỷ nguyên mới
Là một đoàn thể của những người đã từng chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành trong khói lửa kháng chiến, đã có cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội CCB Việt Nam sẽ vẫn là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong một số bài viết, bài phát biểu quan trọng trong những sự kiện đặc biệt của đất nước thời gian qua. Thông điệp như lời hiệu triệu, thúc giục tinh thần hành động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để thực hiện khát vọng xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Kỷ nguyên mới là thời điểm mở đầu gắn với một sự kiện trọng đại có ảnh hưởng lớn đến các giai đoạn phát triển tiếp theo (của một lĩnh vực, cộng đồng... hay của quốc gia, nhân loại).
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930 đã đưa đến thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh vinh quang, khởi đầu kỷ nguyên độc lập tự do của dân tộc.
Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975 và thắng lợi của các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đến năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, đất nước bước vào kỷ nguyên thứ hai - kỷ nguyên thống nhất và đổi mới.
Gần 40 năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, cho phép đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên thứ ba: kỷ nguyên phồn vinh, hạnh phúc trong thời đại Hồ Chí Minh.
Hội CCB Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đại diện ý chí, nguyện vọng của CCB và cựu quân nhân, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phát huy truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”, từ khi thành lập (1989) đến nay, Hội CCB Việt Nam đã có bước phát triển ngày càng vững chắc, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Bất luận trong điều kiện hoàn cảnh nào, tuyệt đại đa số CCB vẫn giữ vững, phát huy truyền thống, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân và toàn xã hội.
Phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” lần thứ VII, giai đoạn 2024-2029, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị trong kỷ nguyên mới, Hội CCB Việt Nam cần phải luôn vững mạnh, tiêu biểu cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Hội CCB các cấp tiếp tục có vị trí, vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Để làm được điều đó, đòi hỏi từng cấp Hội cần quán triệt sâu sắc và kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác Hội CCB; trên cơ sở đó, đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhất là tham gia phản biện đối với việc ban hành các chính sách, điều luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Với bản lĩnh chính trị vững vàng, được tôi luyện qua thực tiễn chiến đấu và công tác, bằng trách nhiệm, uy tín của mình, các cấp Hội CCB và hội viên CCB trong kỷ nguyên mới tiếp tục là nòng cốt chính trịn, chỗ dựa tin cậy của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể; là lực lượng quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, xây dựng lý tưởng, hoài bão và lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, tiếp thêm sức mạnh, động lực để thanh niên cống hiến cho đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội CCB các cấp tiếp tục là địa chỉ tin cậy để người dân, doanh nghiệp gửi gắm trong công tác giám sát việc triển khai, thực hiện các điều lệ, nguyên tắc lãnh đạo, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ; giám sát việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực tế cho thấy, hoạt động giám sát của các tổ chức Hội CCB chỉ có thể phát huy hiệu quả khi có sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả với các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Vì vậy, cần tăng cường kết hợp giữa hoạt động giám sát của các tổ chức Hội CCB với hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước, công tác kiểm tra Đảng và hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, góp phần làm cho hoạt động giám sát của Hội CCB ngày càng hiệu quả, huy động được các cơ quan, tổ chức và nhân dân tham gia, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong hoạt động giám sát.
Anh Minh