Luận bàn: Bảy minh triết cho quản trị quốc gia

Với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã và đang khởi xướng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đầy khó khăn nhưng cần thiết. Thành công của cuộc cách mạng này đòi hỏi không chỉ sự khéo léo trong giải pháp kỹ thuật, mà còn là sự am tường về minh triết quản trị quốc gia.

Minh triết đầu tiên là “Cốt lõi và giá trị”. Nhìn lại những bài học lịch sử, chúng ta thấy bất kỳ cải cách nào cũng chỉ bền vững khi nó giữ vững được giá trị cốt lõi. Giống như cắt tỉa cây, chỉ loại bỏ những cành lá khô, yếu để cây tập trung dưỡng chất nuôi những nhánh khỏe mạnh. Một bộ máy tinh gọn cần được tổ chức lại sao cho chỉ tập trung vào các nhiệm vụ thiết yếu, tránh ôm đồm những chức năng không thực sự cần thiết. Đó không chỉ là một phép toán về cơ cấu mà còn là bài toán giá trị: giữ lại những gì tốt đẹp nhất và từ bỏ những gì không còn phù hợp.

Bộ máy không cần đông, mà cần tinh là minh triết thứ hai. Một câu nói dân gian xưa từng khẳng định: “Một người lo bằng cả kho người làm”. Cũng có thể hiểu: "Bộ máy nhỏ nhưng do người giỏi vận hành sẽ hiệu quả hơn bộ máy lớn nhưng lạc hậu”.

Lấy ví dụ từ câu chuyện quản trị của Singapore. Quốc gia này có bộ máy gọn nhẹ, nhưng do sở hữu những công chức được đào tạo bài bản và được trả lương xứng đáng để họ làm việc với hiệu suất cao nhất. Bài học rút ra cho Việt Nam là: Muốn tinh gọn, cần chọn lọc, đào tạo và đãi ngộ người tài. Ngược lại, nếu không mạnh dạn loại bỏ những nhân sự yếu kém, không đủ năng lực, cuộc cách mạng sẽ mãi là một khẩu hiệu.

Minh triết thứ ba là “Cân bằng lợi ích”. Mỗi thay đổi lớn đều kéo theo những xung đột lợi ích. Một bộ máy khi được thu nhỏ đồng nghĩa với việc một số người phải rời khỏi vị trí quen thuộc của họ. Điều này không dễ dàng, chính vì vậy minh triết dạy rằng: "Muốn thay đổi bền vững, phải cân bằng lợi ích giữa các bên".

Hãy hình dung một cây cầu treo, để vững chắc các sợi dây cáp ở hai bên đều cần phải chịu lực như nhau... Tương tự, trong bất kỳ sự thay đổi nào, sự bền vững chỉ đạt được khi lợi ích của các bên liên quan được cân bằng và phân phối hợp lý - người ở lại có động lực, người rời đi có bảo đảm.

Minh triết thứ tư là “Dân làm gốc”, nhắc nhở chúng ta rằng: "Bộ máy phục vụ dân, không phải để dân phục vụ bộ máy”, nên việc tinh gọn bộ máy phải lấy sự thuận tiện và hiệu quả cho nhân dân làm thước đo. Những thủ tục hành chính rườm rà, những quy trình không cần thiết phải bị cắt giảm triệt để. Một bộ máy gọn nhẹ sẽ không chỉ tiết kiệm ngân sách mà còn giúp xây dựng niềm tin trong nhân dân.

Minh triết thứ năm là “Hợp tác thay vì xung đột”. Chuyển đổi thành công là nhờ hợp tác, không phải cưỡng chế. Minh triết này nhấn mạnh rằng bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần sự đồng thuận. Thay vì áp đặt, cần khuyến khích sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ. Sự đồng thuận tạo nên sức mạnh và giảm thiểu những xung đột không đáng có.

Minh triết thứ sáu là “Học hỏi từ lịch sử và quốc tế”. Biết tận dụng bài học của người đi trước là tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Minh triết này nhắc nhở rằng mỗi quốc gia đều có những bài học quý giá để Việt Nam tham khảo.

Singapore là một ví dụ điển hình về sự tinh gọn bộ máy. Nhật Bản cũng từng tái cấu trúc bộ máy hành chính sau Chiến tranh thế giới thứ hai để phục hồi nhanh chóng. Việt Nam có thể học hỏi cách thức họ thực hiện, nhưng cần linh hoạt vận dụng sao cho phù hợp với bối cảnh riêng. Đồng thời, từ chính lịch sử của mình, Việt Nam cũng cần tránh lặp lại những sai lầm trong các cuộc cải cách trước đó.

Minh triết thứ bảy là “Công nghệ và sự sáng tạo”. Trong thời đại 4.0, công nghệ là chìa khóa cho sự đổi mới. Minh triết ở đây là: "Ứng dụng công nghệ là cách tinh gọn bền vững”. Thay vì duy trì một đội ngũ lớn làm các công việc lặp đi lặp lại, nhiều quốc gia đã sử dụng công nghệ để thay thế. Chính phủ điện tử, trí tuệ nhân tạo và các hệ thống tự động hóa có thể giúp giảm thiểu nhân lực và nâng cao hiệu quả. Việt Nam, với cam kết hiện đại hóa, cần mạnh dạn áp dụng các giải pháp công nghệ để xây dựng một bộ máy quản lý tiên tiến, nhanh nhạy.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của Việt Nam không chỉ là một bài toán tổ chức, mà còn là một cuộc đổi mới về tư duy. Những minh triết được áp dụng sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trước mắt và còn định hình một tương lai bền vững và thịnh vượng.

Như một con thuyền muốn vượt sóng ra khơi, bộ máy nhà nước cần được tinh chỉnh để nhẹ nhàng hơn, nhanh nhẹn hơn và hiệu quả hơn. Thành công của cuộc cách mạng này không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn để lại một di sản quý giá cho thế hệ mai sau: Một bộ máy vận hành vì dân, vì nước và vì sự phát triển chung của toàn xã hội.

T.S Nguyễn Sỹ Dũng