Lửa đêm

Tiểu đội thông tin 2 oát của tôi ở trong căn nhà hầm chót vót trên đỉnh đồi. Mưa trút như thác, gió quật tứ bề, năm anh em như năm thủy thủ trên con tàu mắc cạn giữa đại dương. Trong ngày, ngoài bốn phiên liên lạc sáng, trưa, chiều, tối để bảo đảm mạng thông tin thông suốt giữa sở chỉ huy với các đơn vị, cả tiểu đội vật vờ bên nhau, người căng níu tăng bạt, người tát nước mưa, người nhóm bếp luộc rau. Gọi là rau cho oai, chứ làm gì có rau theo nghĩa thông thường. Đó là những loại lá chẳng ai biết tên, nhưng đều tin rằng ăn sẽ không chết.
Năm anh em trong tiểu đội đều có năm biệt danh. Anh Thăng - Tiểu đội trưởng hay lo nghĩ nên gọi là Thăng “lo”... Tôi hay làm thơ nên gọi là Hòa “thơ”. Từ ngày bị đói mờ mắt, duy anh Thăng luôn đau đáu lo cho tiểu đội nên biệt danh Thăng “lo” vẫn đúng, còn lại các biệt danh khác đều nhòe, chìm hết. Cũng từ ngày bị đói, hễ leo lên sạp là cả năm anh em đều nằm nghiêng, chẳng ai dám nằm ngửa. Bao gạo rang chỉ được phép sử dụng khi xảy ra chiến đấu treo trên đỉnh nhà hầm tựa quả bầu khô trêu ngươi quá! Thôi đành nằm nghiêng cho hạ bớt cơn thèm...
Một tối, trời ngớt mưa. Năm anh em vừa xơi xong đĩa lá luộc ngang ngang, nhặm nhặm như lá mò già ở quê thì Trung đội trưởng Đoan bước vào đứng giữa nhà hầm, nhấn từng câu:

  • Trên thông báo đã chuyển được ít gạo vào kho. Trung đội cử đồng chí Thăng vào đoàn ngày mai đi lấy gạo. Khi gạo về, đơn vị tạm quy định mỗi người một ngày hai lạng.
  • Ô! Có gạo rồi! - Chúng tôi ôm nhau cùng reo khẽ.
  • Trật tự! - Trung đội trưởng Đoan nghiêm nghị - Đúng 4 giờ sáng mai xuất phát. Trước khi đi, đồng chí Thăng được ăn hai nắp bi đông gạo rang để có sức. Hết!
    Trung đội trưởng về rồi, mà quá nửa đêm, năm anh em cựa quậy mãi không ngủ. Hình như, đôi lúc có người đã bạo gan bỏ thói quen nằm nghiêng.

Gần sáng tôi thiếp đi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy anh Bình, anh Sinh, anh Quýnh ngồi thẫn thờ bên chiếc bàn làm bằng thùng đạn. Giữa bàn là một gói giấy nhỏ đặt trên tờ giấy thu nhận điện với dòng chữ vội vàng: “Anh em chia nhau số gạo rang này nhé! Mình còn khỏe. Thăng”. Bỗng anh Quýnh bật khóc như trẻ con. Anh Bình, anh Sinh cũng nghẹn ngào. Mắt tôi mờ nhòa, ruột gan xa xót. Anh Bình vỗ nhẹ vào vai mọi người rồi dịu dàng nói: “Tất cả nín đi. Chờ anh Thăng về chúng mình cùng ăn”.
Một ngày dài khủng khiếp! Từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều tưởng chừng bằng mấy tuần cộng lại. Sẩm tối, đoàn lấy gạo về đến đơn vị. Các tiểu đội, trung đội ùa xuống chân đồi đón chào những người anh hùng. Đại đội trưởng Thao ôm chầm những anh em của đại đội trong đoàn đi lấy gạo rồi yêu cầu mọi người: “Giải tán, chờ cơm”. Trời ơi! “Cơm, cơm, cơm...”. Đã mấy tháng rồi, chiều nay mới lại được nghe cái từ bình thường ấy. Chúng tôi vây quay anh Thăng ngược dốc trở về tiểu đội. Vào nhà hầm, nhìn gói gạo rang trên bàn vẫn còn y nguyên, anh Thăng nhíu mày. Biết anh Thăng không hài lòng, anh Bình lúng túng thưa: “Dạ! Chúng em ở nhà... Anh đi xa... vất vả...”. Anh Thăng giở gói gạo rang chia thành năm phần bằng nhau rồi cẩn thận gạt nhẹ vào năm lòng bàn tay, giọng nghiêm nghị: “Dặn dò không nghe, bây giờ phải ra lệnh. Chuẩn bị... Tất cả, ăn!”. Năm bàn tay từ từ đưa lên úp vào miệng. Những hạt gạo rang thơm bùi quá thể! Với tôi, những hạt gạo ấy còn ngấm vị mằn mặn. Đúng rồi! Tôi đã nhai những hạt gạo ấy cùng nước mắt.
Tám giờ tối, chúng tôi mang bát xuống nhà bếp. Gian bếp Hoàng Cầm chật chội nức hương cơm. Mọi người xếp hàng dọc. Ông Bùng - anh nuôi ngồi chồm hỗm trên bậc sát chảo cơm, dùng chiếc xẻng con xới cơm thật bông rồi lấy môi xúc cơm vào chiếc bát nhỏ, gạt bằng, đổ vào bát từng người. Không nói ra nhưng bụng ai cũng lo ông gạt lõm mặt bát. Tiếp theo, ông Dưỡng, quản lý, múc cho mỗi người một thìa nước gạo rang cháy pha muối. Chưa ra khỏi bếp, bát của từng người đã sạch bong.
Thèm cơm lâu ngày nhưng chẳng có, trạng thái nhẫn nhịn, quên, lỳ đang lan khắp đơn vị, nay được lưng cơm, cảm giác thèm cơm bùng dậy dữ dội. Nằm trên sạp, mắt tôi nhắm nghiền vậy mà hương cơm cứ quẩn quanh cùng tiếng xẻng văng vẳng đảo cơm, vỗ cơm ken két, bộp bộp của ông Bùng. Tôi khát khao mùa khô nhanh đến, được đón những chuyến xe đầy ắp đạn, gạo vượt đèo, được đối mặt với đạn bom ác liệt của địch nhưng bụng tôi và đồng đội no tròn...

  • Dậy! Dậy! Dậy...
    Anh Thăng vỗ nhẹ vào vai tôi cùng anh em tiểu đội. Khi tất cả đã ngồi gật gù trên sạp, anh Thăng thì thào:
  • Ra hang Nón nấu cháo. Đêm nay anh khao các em.
    Niềm vui đến đột ngột làm chúng tôi ú ớ, ngỡ ngàng. Để chúng tôi “tỉnh” hẳn, anh Thăng nói thêm:
  • Tối nay, lúc đổ gạo vào thùng, anh lén giữ lại một ít.
    Đêm rừng già đen kịt. Anh Thăng đi đầu, chúng tôi mò mẫm bám theo ra hang Nón. Mọi việc diễn ra nhanh gọn. Hai nắm gạo cho vào hăng-gô đầy nước đặt trên khe giữa hai phiến đá. Anh Thăng trực tiếp nhóm lửa, đảo cháo, cho muối rồi múc cháo vào chiếc bát sắt B-52 để mọi người ăn chung. Chỉ có một chiếc môi nên phải quay vòng, tôi ít tuổi nhất được ăn môi cháo đầu tiên. Khi môi cháo chuyển tới anh Thăng, anh Thăng chuyển ngay cho anh Bình. Bốn anh em chúng tôi không chịu, khăng khăng ra điều kiện: Nếu anh Thăng không ăn cháo thì không ai ăn nữa. Anh Thăng nhìn chúng tôi trìu mến, giải thích: “Hôm nay anh đi lấy gạo, được ăn hai bữa cơm. Các em chỉ được ăn một bữa. Đừng để anh buồn. Ăn nhanh lên, sáng đến nơi rồi, lộ ra là khốn”. Môi cháo đành miễn cưỡng “quay” tiếp. Được hơn ba vòng thì hết cháo.
    Sau lần đầu tiên đi lấy gạo một tuần, anh Thăng hội ý trung đội về thông báo:
  • Ngày mai, đơn vị tổ chức đi lấy gạo lần hai. Tiểu đội ta được cử một người. Ai đi lần này sẽ được ăn thêm bữa sáng một lạng gạo.
    Cả tiểu đội lại reo khẽ. Không chờ anh Thăng phân công, anh Bình, anh Sinh, anh Quýnh đều tiến cử tôi, với lý lẽ: “Cho em Hòa đi để nó được thêm một bữa”. Anh Thăng nhất trí ngay. Anh nháy tôi ra gốc cây cổ thụ phía sau nhà hầm để “giao thêm nhiệm vụ”. Anh Thăng tát nhẹ vào má tôi, dịu dàng nói: “Da đỡ xanh tái rồi đấy”. Tiếp đó, anh thì thào:
  • Chiều mai gùi gạo về, lúc bước lên bục đổ gạo vào thùng, em chớ đổ ộc cho xong. Đổ từ từ thôi. Khi thấy ba lô gạo đã vơi vơi, em mở rộng bàn tay, nắm chặt hai góc ba lô rồi dốc ngược. Giả vờ giũ nhẹ vài cái. Số gạo nằm lại hai góc ba lô đủ bữa cháo cho tiểu đội đấy. Nhớ chưa?
    Tôi gật gật đầu, hồn nhiên hỏi thêm:
  • Hôm nọ anh cũng làm thế à?
  • Chứ sao! Phải làm thế, các em mới có thêm bữa cháo đêm ấy. Chú ý, ông Bùng, ông Dưỡng luôn đứng kè kè bên thùng gạo, soi từng người đấy!
    Thêm bữa cơm sáng, chặng đường hành quân đi lấy gạo không quá gian nan như tôi tưởng. Hơn 4 giờ chiều, cả đoàn đã về tới đơn vị. Bên chiếc thùng sắt, ông Bùng, ông Dưỡng đứng nghiêm như vệ binh đón từng người. Cả đoàn xếp hàng dọc. Người thứ nhất. Người thứ hai. Người thứ ba... Hai tai tôi bỗng nóng bừng bừng. Tôi cố trấn tĩnh, nhẩm lại những lời anh Thăng dặn. Tôi là em út của tiểu đội đồng thời cũng là em út của đơn vị nên thường được mọi người cưng chiều. Nhìn thấy tôi, cả ông Bùng, ông Dưỡng đều tươi cười, đon đả. Ông Bùng còn trêu tôi:
  • A! Thằng út! Chim đã mọc lông chưa? Khổ thân, đang tuổi ăn tuổi ngủ mà đói vàng mắt. Cố gắng nhé! Mùa khô sắp đến rồi, tha hồ mà chén.
    Tôi cười. Giàu lòng yêu thương thường mất cảnh giác, hai ông chiếu mắt vào người đứng sau tôi đang định nhấp nhứ bước lên bậc, quát:
  • Bình tĩnh. Chờ thằng út đổ xong đã. Mở sẵn nắp ba lô ra!
    Tôi thoải mái, mở bàn tay hết cỡ túm khá sâu hai góc ba lô, từ từ dốc ngược, giũ khẽ, kỹ càng hơn cả những lời anh Thăng dặn. Ngược dốc, lòng tôi rộn ràng niềm vui mang “chiến thắng” về cho tiểu đội.
    Đêm ấy, chẳng cần anh Thăng vỗ vai, cả tiểu đội cùng thức chờ cho đơn vị ngủ say rồi lại mò mẫm ra hang Nón. Số gạo tôi giữ lại nhiều gấp rưỡi số gạo anh Thăng giữ lại lần trước. Môi cháo “quay” hơn năm vòng mà không khuyết ai. Cứ hết một vòng, các anh lại khen tôi: “Giỏi! Giỏi! Út Hòa giỏi lắm!”.
    Dẫu còn đói, nhưng hai lưng cơm mỗi ngày đã làm nét riêng của từng người dần hồi lại. Đợt thứ ba đi lấy gạo, tiểu đội tôi không được “suất” nào. Tiểu đội thông tin 15 oát được một “suất”, đó là Biểu. Biểu hơn tôi một tuổi, hai đứa cùng quê lại cùng về đơn vị một ngày nên khá thân nhau. Khi trời đã nhá nhem tối, tôi gọi Biểu ra gốc cây cổ thụ, phổ biến “kinh nghiệm quý báu” mà tôi đã thực hiện. Nghe xong, Biểu xuýt xoa:
  • Tuyệt! Phải đưa cậu sang bộ phận tình báo mới xứng, để làm thông tin 2 oát phí quá.
    Bàn tay rộng phê phê với những ngón tay dài ngoẵng của Biểu bọc chặt bàn tay nhỏ bé của tôi như muốn thay lời hứa: “Yên tâm nhé! Sẽ thành công!”.
    Ngày hôm sau, mới gần 4 giờ chiều đoàn đi lấy gạo đã về đến đơn vị. Tôi đang thấp thỏm chờ đón tin vui từ Biểu thì bỗng nghe thấy những tiếng quát ầm ĩ phía dưới nhà bếp. Tim tôi đập loạn xạ... “Chết cha! Lộ rồi! Hai bàn tay hộ pháp ấy mà túm lấy góc ba lô thì thoát thế nào được đôi mắt “giữ của” sắc lẹm của ông Bùng, ông Dưỡng”. Khoảng hai mươi phút sau, Trung đội trưởng Đoan hầm hầm bước vào nhà tiểu đội. Đôi mắt của Trung đội trưởng thường ngày hiền từ mà hôm nay ánh lên những tia chói gắt chiếu vào tôi:
  • Đồng chí Hòa, xuống gặp Ban chỉ huy đại đội.
    Tiếp đó, Trung đội trưởng ghé vào tai anh Thăng nói nhỏ mấy câu. Tôi tưởng như toàn thân đang biến thành bó đuốc. Tôi lê từng bước chân đeo chì xuống dốc. Trời mưa mà không làm dịu ruột gan tôi nóng phừng phừng. Trong căn nhà hầm của Ban chỉ huy đại đội, Đại đội trưởng Thao, Chính trị viên Sửu, Đại đội phó Thọ ngồi trên chiếc ghế dài ghép bằng cây rừng. Biểu ngồi trên chiếc ghế đối diện, đầu gục rũ. Tôi thấy thương Biểu quá chừng. Tôi không mảy may nghĩ Biểu phản bội. Biểu thật thà như đếm nên “khai” ra tôi cũng là chuyện thường. Tôi len lét ngồi xuống bên Biểu với tâm thế đón nhận những lời bão lửa. Nhưng Đại đội trưởng Thao nhìn tôi với ánh mắt âu yếm, cảm thông, giọng dìu dịu:
  • Đồng chí Hòa! Sao lại dại dột thế? Vài nắm gạo có cứu được cả mùa đói đâu. Các đồng chí anh nuôi, quản lý mắng mỏ đồng chí Biểu là đúng. Ai cũng như hai đồng chí thì cả đơn vị càng đói. Đúng không?
    Cũng như Đại đội trưởng Thao, Chính trị viên Sửu nhìn tôi, nhìn Biểu với ánh mắt cảm thông, nói thêm:
  • Truyền thống của Quân đội ta là đồng cam cộng khổ; là chiến sĩ trẻ, các đồng chí phải biết gìn giữ và phát huy chứ.
    Bỗng anh Thăng xuất hiện ở cửa. Trời ơi! Phía sau là anh Bình, anh Sinh, anh Quýnh nữa. Lòng tôi xa xót, thầm trách: “Một mình em chịu đủ rồi! Cả tiểu đội kéo xuống đây làm gì cho thêm xấu hổ”. Các anh đứng hàng ngang, anh Thăng nhìn Đại đội trưởng Thao, giọng trầm buồn:
  • Báo cáo các thủ trưởng! Chính tôi là người đầu têu để anh em phạm khuyết điểm này. Tôi đã bớt gạo từ lần đi lấy gạo đầu tiên, rồi lôi kéo đồng chí Hòa... Tôi xin nhận mọi hình thức kỷ luật. Để bù cho số gạo đã lấy, tôi xin nhịn ăn từ chiều nay cho đến khi...
    Không để anh Thăng nói hết, anh Bình vội bước lên phía trước, khẩn khoản:
  • Báo cáo! Anh Thăng bớt gạo nhưng không ăn, nhường hết cho tiểu đội. Cả tiểu đội tôi xin nhịn để bù ạ.
    Mắt ba thủ trưởng đại đội đều đỏ hoe, ngân ngấn. Rồi cả ba chụm đầu hội ý, sau đó Đại đội trưởng Thao đứng dậy kết luận.
  • Các đồng chí đã thành khẩn nhận khuyết điểm, lại còn đưa ra biện pháp khắc phục, điều đó rất quý. Ban chỉ huy đại đội chỉ nhắc nhở để các đồng chí rút kinh nghiệm. Tất cả các bữa ăn, các đồng chí phải có mặt và ăn hết khẩu phần. Ai nhịn sẽ bị kỷ luật. Hết!
    Tôi, Biểu cùng các anh ngược dốc, mắt ai cũng ngân ngấn nước.
    Mưa tạnh hẳn. Gió rừng dào dạt. Mùa khô ác liệt nhưng cũng là mùa no sắp đến rồi.
    Tháng 3-2012
    Nguyễn Tiến Hải