Trong huấn luyện, do đặc thù huấn luyện của Bộ đội Đặc công sử dụng nhiều thuốc nổ, đạn dược và thời gian huấn luyện ban đêm nhiều, cường độ huấn luyện cao… nên ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và tư tưởng của bộ đội. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác huấn luyện (nhất là các khâu đột phá), đối tượng tác chiến, âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Lữ đoàn lấy kết quả huấn luyện làm một nội dung thi đua và cũng là một tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên và bình xét khen thưởng hằng năm. Do đó, từng đơn vị chủ động chuẩn bị về con người và cơ sở vật chất, xây dựng chương trình, kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ của mình, sát với đối tượng huấn luyện, bảo đảm sự thống nhất, chính quy, khoa học. Hệ thống sổ sách, bảng biểu đăng ký, thống kê huấn luyện được thực hiện đầy đủ, thống nhất trong toàn Lữ đoàn. Giáo án, bài giảng kỹ thuật, chiến thuật binh chủng, chống khủng bố, thể lực, chuyên ngành, giáo dục chính trị được chuẩn bị chu đáo. Chú trọng sửa chữa, nâng cấp, xây dựng thao trường, bãi tập, tích cực nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến mô hình học cụ, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu huấn luyện. Hằng năm, Lữ đoàn đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng theo phân cấp được 10 lớp, cho 100% cán bộ các cấp, thời gian mỗi lớp từ 7 đến 10 ngày; kết quả 100% cán bộ tham gia tập huấn đều đạt khá, giỏi. Ngoài việc tổ chức tập huấn theo phân cấp, các liên đội đặc công còn duy trì chế độ bồi dưỡng cán bộ thông qua hội thi, hội thao, kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện của cán bộ từng tháng, quý. Đến nay, 100% cán bộ cấp liên đội và cấp đội đặc công đều đạt trình độ huấn luyện khá, giỏi (có 60% giỏi); 50% cán bộ cấp mũi đặc công huấn luyện giỏi; 100% tổ trưởng, khẩu đội trưởng huấn luyện được một số nội dung, như: kỹ thuật đặc công, chuyên ngành, điều lệnh, thể lực. Từ thực hiện đồng bộ các biện pháp nên chất lượng huấn luyện của Lữ đoàn những năm gần đây không ngừng được nâng lên. Nhiều năm liền Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng công nhận “Đơn vị huấn luyện giỏi”.
Cùng với tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn xác định công tác SSCĐ là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Trên cơ sở duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ ở tất cả các cấp, nắm chắc tình hình, chủ động ứng phó và xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị bất ngờ. Các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị bạn quản lý chặt chẽ các mục tiêu được giao, xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh quyết tâm, kế hoạch tác chiến theo các nhiệm vụ (A, A2, A3, A4) và tổ chức luyện tập, diễn tập theo các phương án; chuẩn bị tốt mọi mặt, sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng. Nhiều năm, Lữ đoàn tham gia các cuộc diễn tập CKB do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp tổ chức. Từ nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ SSCĐ nên Lữ đoàn đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ A2, CKB.
Đứng chân trên địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc ít người, đời sống kinh tế còn khó khăn, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn thường có nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch công tác dân vận trong từng giai đoạn cụ thể. Các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền tổ chức kết nghĩa với 24 đầu mối cơ quan, đơn vị; thường xuyên cử các tổ tuyền truyền đặc biệt đi tham gia xây dựng cơ sở chính trị xã, phường hoặc đưa bộ đội dã ngoại tới các thôn bản thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội, khắc phục thiên tai. Lữ đoàn tham gia làm mới các đoạn đường của 3 buôn (buôn Puôl, buôn Ek Mát, buôn Ta Ra) và 5 thôn (Hoàn Trung, Hòa Thành, Hòa Thắng, Thôn 15 và Thôn 19/5) xã Hòa Đông với tổng chiều dài hơn 6.000m đường bê tông. Các đơn vị tham gia xây dựng nhiều công trình, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở nhiều địa phương tại tỉnh Đắk Lắk như: xã Tân Tiến, xã Ea Yiêng (huyện Krông Bách), xã EaTu, xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột)… Trong 3 năm qua, cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn đã tham gia hơn 9.780 ngày công để cùng nhân dân làm đường bê tông, nạo vét kênh mương tưới tiêu, xây dựng trường học…; ủng hộ các quỹ hội địa phương hơn 73,5 triệu đồng; tổ chức thăm và tặng quà cho gia đình chính sách hơn 12 triệu đồng; hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên 90 triệu đồng; tổ chức gặp mặt, tặng quà các già làng, trưởng thôn, buôn hơn 15 triệu đồng; khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 2.730 lượt người dân…
Với những thành tích xuất sắc, năm 2014 Lữ đoàn đặc công 198-Đơn vị anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm