Lữ đoàn 316 ôn lại ký ức cầu Rạch Chiếc sau 50 năm

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (trái) khẳng định: Lữ đoàn 316 có trách nhiệm truyền tải cho thế hệ mai sau, những người sẽ tiếp bước giữ gìn cơ đồ mà bao thế hệ đã đổ máu hy sinh để xây dựng nên.

Sáng 19/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động Bộ Tham mưu miền (B2) đã tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Buổi họp mặt là cơ hội để các Cựu chiến binh Lữ đoàn 316 cùng nhau ôn lại những năm tháng chiến đấu gian khổ, đặc biệt là trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc, nơi đã mở đường cho đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn cách đây nửa thế kỷ.

Đoàn đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ tại buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Qua quá trình hoạt động chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 316 đã mưu trí, kiên cường, quanh liệt, dũng cảm hy sinh vì đất nước. Với những chiến công đặc biệt, Lữ đoàn và nhiều đồng chí đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh Lữ đoàn 316 vẫn tiếp tục tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, xây dựng khối đại đồng kết toàn dân, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: Lữ đoàn 316 đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Thay mặt Đảng Bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ sự tin tưởng rằng: Các cựu chiến binh Lữ đoàn 316 tiếp tục phát huy truyền thống đặc công thép, tiếp tục giữ vững tinh thần chiến sĩ trong cuộc sống đời thường, tiếp tục là người truyền lửa cách mạng, truyền động lực phấn đấu cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Thanh Nghị cũng mong muốn trong tương lai, các cựu chiến binh của Lữ đoàn sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm quý báo để cùng xây dựng TP. Hồ Chí Minh, giúp Thành phố bước vào kỷ nguyên phát triển, phồn vinh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tại sự kiện, Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316, chia sẻ: Nhiệm vụ được giao cho Lữ đoàn mùa xuân năm 1975 là đánh chiếm 4 mục tiêu trọng yếu, trong đó có cầu Rạch Chiếc, nơi được địch bố trí phòng thủ nghiêm ngặt.

Trận đánh bắt đầu vào rạng sáng 28/4/1975, với sự tham gia của các tiểu đoàn D81, Z22, Z23. Các chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cầu, tạo điều kiện cho hai cánh quân chủ lực tiến vào trung tâm thành phố, góp phần vào thắng lợi nhanh chóng của chiến dịch.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu khẳng định, các cựu chiến binh Lữ đoàn 316 sẽ tiếp tục truyền lửa cho thế hệ trẻ thông qua các buổi nói chuyện truyền thống, hoạt động viết sách, tuyên truyền, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và cảnh giác trước các âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Đinh Giảng Hiếu, thành viên Lữ đoàn 316, cho biết: "Các tiểu đoàn D81, Z22, Z23 với hơn 200 cán bộ, chiến sĩ chỉ có 2 ngày để tập hợp và lên phương án tác chiến. Trong khoảng thời gian gấp rút ấy, nhiều người thậm chí chưa kịp biết tên nhau, nhưng vẫn sát cánh chiến đấu như anh em một nhà. Nhiều người lần đầu tiên gặp lại nhau ngoài đời sau nửa thế kỷ, không còn qua mạng xã hội Facebook hay dòng tin nhắn Zalo”.

Đoàn đại biểu Cựu chiến binh Lữ đoàn 316 chụp ảnh cùng lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tại cuộc gặp mặt.

Kết thúc buổi gặp mặt, ông Đinh Tiến Bộ, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến, Khối Lữ đoàn 316 đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ,giúp đỡ, để các cựu chiến binh lần đầu hội ngộ sau 50 năm.

Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động được thành lập vào tháng 3/1974 theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhằm chuẩn bị cho các trận đánh then chốt trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến. Một trong những trận đánh nổi bật là trận chiếm giữ và bảo vệ cầu Rạch Chiếc - vị trí chiến lược giúp các cánh quân nhanh chóng áp sát Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Phú Quý