Lớp học tiếng Anh miễn phí ở bản
Lớp học đơn sơ nhưng mang nhiều ý nghĩa.
Vượt hơn 300km, chúng tôi đến bản Tông Phắng, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, một vùng đất vẫn còn rất hoang sơ, nơi tập trung sinh sống của người Tày tại Yên Bái. Chỉ cách thị trấn Lục Yên khoảng 20 km nhưng phải đến tận nơi mới thấy được hết những khó khăn, vất vả của những em nhỏ trong việc đi tìm cái chữ.
Để đến được trường, hằng ngày các em nhỏ phải vượt qua con đường gập ghềnh sỏi đá, dốc đèo, thậm chí phải băng qua những con suối mà nước có thể dâng ngập bất cứ lúc nào. Thế nhưng vượt lên trên tất cả, nụ cười vẫn nở trên môi, tất cả những khó khăn dường như chỉ càng khiến các em quyết tâm hơn và tiếp tục sống thật mạnh mẽ. Nhưng có một ước mơ vẫn đau đáu trong từng ánh mắt các em, ước mơ được nói, được hiểu thứ tiếng của những người khách nước ngoài vẫn thường đi ngang qua bản. Điều đó thật không dễ chút nào bởi học tiếng Việt đã khó, học ngoại ngữ lại càng khó hơn, những trường học ở vùng cao nhiều khi không đủ điều kiện để có thể đưa ngoại ngữ vào dạy trên lớp.
Ấy vậy mà ở đây lại có một lớp học ngoại ngữ khá quy củ với các giáo viên bản ngữ trực tiếp đứng lớp. Và đặc biệt, lớp học này hoàn toàn miễn phí.
Lần đầu gặp Hoàng Thị Xới, tôi không nghĩ rằng cô gái dễ thương người dân tộc Tày này lại là chủ nhân của ý tưởng mở những lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em đồng bào dân tộc bằng việc kết nối các em với những tình nguyện viên quốc tế và khách du lịch nước ngoài. Hào hứng chia sẻ về lớp học của mình từ khi còn là ý tưởng cho đến lúc đi vào hiện thực, Hoàng Thị Xới chia sẻ: Láng Thượng là một trong những xã thuộc diện 135, kinh tế còn kém phát triển, đời sống của người dân chủ yếu chỉ dựa vào nông nghiệp nên điều kiện học tập bình thường cho các em nhỏ còn rất thiếu thốn chứ đừng nói đến chuyện học ngoại ngữ. Nhìn ánh mắt háo hức của các em mỗi khi thấy khách du lịch nước ngoài, mỗi khi xúm quanh để nghe họ nói chuyện, tôi cảm nhận được khát khao muốn nghe được, hiểu được thứ ngôn ngữ đó của các em. Vì vậy tôi đã nẩy ra ý tưởng kết nối các em nhỏ với các tình nguyện viên quốc tế và khách du lịch nước ngoài.
Thế là lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các em học sinh trên bản do chính những “giáo viên” bản địa đứng lớp đã được thành lập. Ban đầu, Xới tập hợp một lớp nhỏ các em học sinh có niềm đam mê với ngoại ngữ, rồi liên hệ với các tình nguyện viên quốc tế và khách du lịch nước ngoài ghé qua đây, đề nghị giúp đỡ. Và cũng rất bất ngờ khi họ lại hào hứng với việc dạy các em nhỏ đến vậy, có người đồng ý ở lại cả tháng trời để dạy miễn phí. Tiếp đó cô xin mượn nhà văn hóa của bản làm lớp học, mặc dù chỉ là một căn phòng đơn sơ với bốn bề vách nứa nhưng lớp học thực sự đã trở thành nơi gắn kết những ước mơ của lũ trẻ.
“Lớp học được hỗ trợ bởi các bạn tình nguyện viên quốc tế, và mình rất vui được là người kết nối. Lớp học đơn sơ nhưng các em rất háo hức khi được học và nói chuyện với anh chị người nước ngoài. Đó là điều mà theo mình vô cùng ý nghĩa ở những vùng núi xa xôi như thế này bởi nó gợi lên lòng khát khao thay đổi và khám phá thế giới còn quan trọng hơn tất thảy mọi bài giảng” - cô tâm sự.
Ngoài việc tạo môi trường học ngoại ngữ cho các em nhỏ, Xới còn mong muốn thông qua những lớp học như vậy sẽ góp phần giới thiệu Lâm Thượng cũng như văn hóa dân tộc Tày đến với du khách quốc tế, giúp họ trải nghiệm và gắn kết hơn nữa với cuộc sống của người dân nơi đây. Các em học sinh muốn tham gia có thể đăng ký vào lớp học này như một câu lạc bộ tiếng Anh, có bầu Lớp trưởng đứng ra quản lý và liên hệ và lịch học của lớp thường cố định trong các buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày 2 tiếng. Còn giáo viên sẽ thay đổi liên tục, phụ thuộc vào thời gian của các tình nguyện viên quốc tế và những người khách du lịch nước ngoài mà Xới liên hệ được. Khi chúng tôi đến đây, 2 giáo viên đứng lớp hiện tại đang là Hanah (người Đức) và Paoline (người Phần Lan), những người chưa từng có kinh nghiệm dạy học bao giờ nhưng lại đang rất hào hứng với công việc mới của mình.
Hướng ánh mắt nhìn về phía lớp học, nơi các em học sinh đang ê a thứ ngôn ngữ mới mẻ mà đầy hấp dẫn, tôi chợt cảm thấy những lớp học như vậy mang thật nhiều ý nghĩa, nhất là đối với những bản nghèo như ở đây, nơi mà người ta trao nhau những ánh mắt, những nụ cười hiền hậu, dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, nhưng với niềm đam mê và tinh thần mạnh mẽ, họ luôn mỉm cười và sống một cuộc đời bình dị mà đầy yêu thương.
Trà Mi