Thầy giáo quân đội chính là Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh. Anh sinh năm 1961, tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1977 theo đường tuyển sinh quân sự, đào tạo sĩ quan vũ khí đạn... về trung tâm công tác từ năm 2008. Hàng năm, ngoài nhiệm vụ, chức trách chính, do có khiếu sư phạm anh thường được giao đi các nơi trong Nam, ngoài Bắc để tới các trường học hướng dẫn cho các em học sinh và nhà trường nâng cao nhận thức và cách phòng tránh bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Bởi vì nước ta vẫn còn hơn 20% diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn; từ sau chiến tranh đến nay đã có hơn 100 ngàn người bị chết và hơn 40 ngàn người bị thương do bom mìn, vật nổ gây ra; trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và 30 ngàn trẻ em đã chết.
Xã Quốc Khánh, Tràng Định, Lạng Sơn, là địa bàn biên giới, có cửa khẩu Nà Nưa đã trải qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và biên giới phía Bắc nên vẫn còn 290ha đất sót lại bom mìn. Những năm qua đã có ba người chết, hàng chục người bị thương do bom mìn gây ra. Đó là anh Hoàng Văn Hậu, 44 tuổi, dân tộc Nùng, ở bản Bó Luông, trong một lần vào rừng đẵn gỗ về làm nhà không may bị mìn nổ, mặt, đầu và sườn trúng nhiều mảnh nhỏ. Sau 40 ngày điều trị, anh trở thành phế nhân và không bao giờ quên được giây phút kinh hoàng đó. Thôn Bó Lương còn có anh Nông Văn Dình, 48 tuổi, đi chăn trâu, trâu dẫm phải mìn chết tại chỗ, anh Dình ở phía sau bị mảnh vào người và mất con mắt trái. Bây giờ mội khi trở trời vẫn đau nhức toàn thân...
Hôm ấy, cả Trường THCS thành một lớp, các em học sinh mang ghế nhựa ra ngồi thành hàng giữa sân chào cờ. Thày giáo Nguyễn Hữu Sơn cùng các đồng đội căng dây treo kín những bản vẽ mô phỏng hình dáng, cấu tạo các loại bom mìn, vật nổ. Trên chiếc bàn lớn còn xếp đầy những vật trực quan như mìn chống tăng, bom bi quả chẩu, quả dứa, lựu đạn chày, lựu đạn mỏ vịt, các loại mìn, đầu đạn... Ngoài ra còn tờ rơi để các thầy, cô giáo phát cho học sinh mang về gia đình tuyên truyền chung. Kết hợp lời nói với tranh vẽ và hiện vật, hỏi vấn đáp, Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn lần lượt giới thiệu từng loại bom mìn, vật nổ, cách nhận biết khi chúng nằm lẫn trong đất, đá trong vườn, ngoài ruộng, trên rừng để các em đánh dấu, báo cho người lớn, người có trách nhiệm xử lý. Lớp học đã diễn ra sôi nổi vì giáo viên và học sinh của nhà trường không những được thông tin cụ thể về mức độ nguy hiểm mà còn trực tiếp thấy rõ hình dáng của các loại mìn, vật nổ. Em Bế Thị Loan, 11 tuổi, lớp 6B cho biết: Cháu chưa thấy bom mìn bao giờ nên rất sợ, nay được học tập cháu không sợ nữa, nếu thấy bom mìn cháu sẽ báo ngay cho trưởng thôn. Em La Thị Hòa, 14 tuổi, lớp 9B thì vui vẻ khoe: Xem ti vi cháu biết bom mìn rất nguy hiểm, sau buổi học này cháu được hiểu rõ hơn, càng cảnh giác để không là tai nạn của bom mìn. Em Nông Minh Trọng, 14 tuổi, lớp 8A thì mong quê hương không còn bom mìn, để không còn có ai bị chết, bị thương tật, mọi người yên tâm làm ăn, sinh sống...
Cô giáo Hiệu trưởng Đàm Bích Hiệp có 20 năm công tác tại Trường THCS Quốc Khánh cho biết: Những năm trước trường có hai học sinh Đàm Viết Khánh và Đàm Văn Quyền là con của nạn nhân bom mìn. Do chưa có chính sách cụ thể nên chúng tôi chỉ biết động viên các em trong học tập và nhắc nhỏ chung về phòng chống bom mìn, tránh gây ra tai nạn bất thường. Những buổi học tập như thế này rất có ý nghĩa, giúp cho các em và thầy, cô giáo nắm rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của bom mìn, vật nổ và cách phòng tránh hàng ngày. Thượng tá Đặng Văn An, Chính ủy Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn tâm sự: Qua tìm hiểu ở nhiều nơi, thấy rằng hậu quả của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra là do thiếu hiểu biết, ý thức phòng tránh bị xem nhẹ. Do vậy, nâng cao nhận thức phòng chống bom mìn cho học sinh là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, cần được triển khai rộng khắp cho cả học sinh và người dân ở những địa bàn còn ô nhiễm. Tạo nên một xã hội nói "không" với bom mìn, cùng chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Bài và ảnh:
Tô Kiều Thẩm