Lòng dân tỏa bóng bồ đề

Ngày 18-4-2919, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu về viếng má Sáu Ngẫu, trầm tư bên gốc bồ đề ông đã trồng tại khuôn viên mộ má Sáu Ngẫu 12 năm trước.

-1-

Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4), Ban liên lạc CCB Trung đoàn 27, Sư đoàn 320, Quân đoàn 1 phía Nam tổ chức họp mặt truyền thống. Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng phu nhân bay từ Hà Nội vào Bình Dương tham dự cùng đồng đội.

Trung đoàn 27 là đơn vị được giao nhiệm vụ tấn công từ hướng Bắc đi qua địa bàn Bình Dương - Sông Bé về giải phóng Sài Gòn. Đêm 29-4-1975, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 hành quân về đến huyện Lái Thiêu. Nhờ sự chỉ dẫn của một bà má Nam Bộ tên là Sáu Ngẫu, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã quyết định trinh sát thực địa và tổ chức hành quân theo con đường từ tấm bản đồ má Sáu Ngẫu trao. Quyết định sáng suốt này cùng với sự hướng dẫn tận tình, chi tiết của người mẹ được mệnh danh “Bà má tham mưu” đã giúp Trung đoàn 27 thực hiện cuộc hành quân hoàn hảo, bắt sống nhiều quan chức quân sự cấp cao của ngụy quân, bảo toàn lực lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cuộc gặp gỡ giữa Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu với má Sáu Ngẫu ngỡ như là sự tình cờ, nhưng sự thực để có được khoảnh khắc lịch sử như là định mệnh ấy là cả một quá trình lâu dài, công phu, chịu nhiều mất mát, hy sinh. Chồng của má, một chiến sĩ cách mạng hoạt động trong lòng địch, trước ngày hy sinh đã giao cho má nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có tấm bản đồ của Quân lực Việt Nam cộng hòa. Là cơ sở cách mạng quan trọng của Đảng ở ngay rìa Sài Gòn, Má Sáu Ngẫu đã dành cả chục năm trời tìm hiểu, bám địa bàn, vẽ lên tấm bản đồ chồng má đưa cho từ trước đó những chi tiết cụ thể về địa điểm đóng quân, bố trí hỏa lực, đường, hướng hành quân… của địch.

Khi Quân giải phóng tiến công Sài Gòn bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, má đã thức ròng mấy đêm liền bên ngọn đèn dầu để chờ đợi lực lượng của ta. Khi lực lượng trinh sát của Trung đoàn 27 phát hiện ám hiệu từ ngọn đèn dầu leo lét trong mái tranh nghèo ở Lái Thiêu, đã tìm đến má. Nhận đúng ký, ám hiệu, biết chắc là Quân giải phóng, má đã thực hiện  sứ mệnh của một người mẹ yêu nước, chỉ dẫn cho đàn con đi con đường ngắn nhất, an toàn nhất, thần tốc nhất, hiệu quả nhất để tiến vào nội đô Sài Gòn bằng tấm bản đồ vô cùng quý giá…

Cảm phục tinh thần yêu nước, đức hy sinh và công lao to lớn của má Sáu Ngẫu đối với cách mạng, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã thực hiện lời hứa với má và những người con của má, đã trở lại Lái Thiêu thăm má ngay sau ngày giải phóng Sài Gòn.

Từ Trung đoàn trưởng phát triển lên cán bộ sư đoàn, quân đoàn và trước khi nghỉ hưu là Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVTND, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng… dù bận bịu công việc đến đâu, ông cũng dành thời gian thăm má và gia đình. Nếu không có má, không có tấm bản đồ của má, không có ân phúc gặp gỡ ấy mà đơn vị ngày đó cứ tiến công theo hướng ban đầu đã định, sẽ gặp vô vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh khi đụng phải sự kháng cự ở bước đường cùng của một số đơn vị ngụy quân, tổn thất lớn về sinh mạng cán bộ, chiến sĩ là điều khó tránh.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và phu nhân gặp lại đồng đội CCB Trung đoàn 27 tại nhà má Sáu Ngẫu ở Lái Thiêu, tháng 4-2019.

Cuối năm 1989, má Sáu Ngẫu mất vì tuổi cao, sức yếu. Thời điểm đó, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đang đi công tác ở nước ngoài. Khi trở về nước, ông đã khắc bia đá từ Thanh Hóa, đem vào Lái Thiêu cùng gia đình xây mộ cho má.

Má về với đất nhưng anh linh của má, tấm lòng của má mãi mãi hóa bóng bồ đề nhân từ chở che, bao dung cho các thế hệ cháu con. Ngày 30-4-2007, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vào viếng má. Ông trồng trong khuôn viên mộ má Sáu Ngẫu một cây bồ đề. Cây lớn rất nhanh, ra nhiều thân và tỏa bóng sum suê cả một khoảng vườn. Đến nay, cây bồ đề ấy đã hóa bóng cổ thụ. Mộ má Sáu Ngẫu được tỏa che bóng mát, mang cảm giác linh thiêng, thanh tịnh đến nao lòng.

Nhìn vị Tướng đôi tay run run, ánh mắt đỏ hoe, miệng mấp máy tiếng nấc gọi tên má Sáu Ngẫu, dâng hương trước di ảnh và lăng mộ má dưới bóng bồ đề, không ai kìm được niềm xúc động. Theo tín ngưỡng nhà Phật, cây bồ đề là biểu tượng thiêng liêng của hành trình giác ngộ, phẩm hạnh, bao dung, niềm tin vững chãi về sự sinh tồn, an lạc. Vì thế nên bồ đề thường được trồng nhiều trong đình, chùa và những địa danh có ý nghĩa tâm linh. Trong tâm khảm của vị Tướng dạn dày trận mạc, lừng lẫy chiến công, bà má Nam Bộ như cây bồ đề tỏa bóng anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang cho các thế hệ cháu con.  

44 mùa Xuân trôi qua, vị chỉ huy Trung đoàn 27 trẻ trung, hừng hực sức lực ngày nào giờ đã là vị Tướng tuổi 73, nhưng trước tình cảm thiêng liêng, niềm tri ân vô hạn và nỗi ngưỡng vọng linh thiêng, ông chẳng khác gì một đứa trẻ ngoan hiền trước anh linh ân nhân.

Chứng kiến khoảnh khắc ấy, ai cũng hiểu, ông đang xúc động. Đó là những thời khắc con người ta bộc lộ bản ngã rõ ràng nhất. Hàng trăm CCB Trung đoàn 27 cũng chung trạng thái cảm xúc ấy. Những người từng xông pha trận mạc, đối mặt với đạn bom kẻ thù trên trận tuyến một mất một còn, khi trở về đời thường và đứng trước thời khắc thiêng liêng như vậy, ai cũng thấy cái giá của hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc lớn đến mức nào…

-2-

Ân nghĩa với nhân dân, tri ân sự nuôi dưỡng, chở che, đùm bọc của nhân dân là thuộc tính quan trọng hàng đầu trong phẩm chất văn hóa, đạo đức Bộ đội Cụ Hồ. Hơn ai hết, họ hiểu rằng, nếu không có mái nhà của dân, không có tấm lòng của dân, không có đức hy sinh vô bờ bến của dân, nhất là hình ảnh những người vợ, người mẹ chiến sĩ, thì chúng ta không thể có đủ sức mạnh chiến thắng kẻ thù.

Trong lịch sử các cuộc chiến tranh giữ nước và bảo vệ Tổ quốc, chưa bao giờ Việt Nam mạnh hơn kẻ thù về tiềm lực quân sự và kinh tế. Bài học của chúng ta để giành chiến thắng là lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, dựa vào dân, thực hiện đường lối và nghệ thuật chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân.

Sức mạnh vô song từ nhân dân không phải là sự thần thánh, trừu tượng hóa, mà nó biểu hiện cụ thể như câu chuyện chúng tôi vừa dẫn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta giành thắng lợi huy hoàng, một phần lớn nhờ vào khí phách anh hùng, bất khuất của hàng triệu người mẹ, người chị, người em như thế. Nói, chiến tranh ở Việt Nam mang gương mặt phụ nữ chính là như vậy.

44 năm đất nước thống nhất. Mục tiêu giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, chúng ta đã hoàn thành. Tri ân nhân dân không chỉ là trách nhiệm, bổn phận mà phải là phương châm, lẽ sống của mỗi cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị.

Tri ân không chỉ bằng tấm lòng mà phải cụ thể hóa bằng hành động chăm lo cho dân, đỡ đần dân. Trong môi trường quốc gia khởi nghiệp hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân chính là lực lượng có tiềm năng, thế mạnh để chăm lo cho dân nhiều nhất. Chúng ta vui mừng và tự hào khi trong hàng ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay có rất nhiều doanh nhân là CCB. Đó là những người lính anh hùng, dũng cảm trên chiến trường và sáng tạo, bản lĩnh, giỏi giang trên thương trường.

Đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp CCB cho đất nước là rất lớn. Không chỉ làm giàu, họ còn cưu mang, tạo việc làm cho con em đồng đội, dành một phần lợi nhuận xây nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, xây bệnh viện, trường học, hỗ trợ thương binh, CCB và nhân dân các vùng căn cứ kháng chiến phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ học bổng cho con em đến trường. Những việc làm bình dị mà cao quý ấy là hiện thân của bóng bồ đề, từ tâm con người mà ra…

Trong “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 17-10-1945, Bác Hồ đã viết: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đất nước thống nhất đã 44 năm nhưng dân ta vẫn còn vất vả, khó khăn, gian khổ lắm. Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, trong đó có rất nhiều hộ gia đình có công với nước, vẫn phải đang chật vật với miếng cơm, manh áo hàng ngày.

Tri ân nhân dân, bên cạnh chăm lo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, chấn hưng văn hóa…, cần phải mạnh tay triệt hạ những kiểu người “Bá Kiến” của thời đại mới. Càng để những loại người này có đất ký sinh, tầm gửi thì càng là mối nguy cho xã hội, cho chế độ.

Tùy bút của Phan Tùng Sơn