Lòng dân thời chống Pháp (10/09/2009)

Chuyện đã diễn ra hơn chục năm rồi, song mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn không khỏi bồi hồi xúc động.

Năm 1944, tròn 20 năm tuổi, anh tôi thoát ly theo cách mạng. Từ khi đi, anh chưa một lần về thăm nhà, thư cũng không, gia đình chỉ nắm được ít tin tức chắp nối qua bạn bè anh nhắn lại: Tháng 8-1945, có tin anh cùng nhân dân huyện Yên Châu (Sơn La) đứng lên giành chính quyền; năm 1946, có người kể anh đã là bí thư huyện uỷ; năm 1948, Pháp đánh lên Tây Bắc, anh sang làm đội trưởng đội xung phong Quyết Tiến của tỉnh, chiến đấu cản phá giặc dọc đường số 6, và tháng 8-1948, có tin anh hy sinh... ấy là cứ nghe thế, chứ từ quê tôi - Cao Bằng đến Lạng Sơn xa lắc, lại chiến tranh loạn lạc, gia đình tản cư nay chỗ này, mai chỗ khác, chẳng có dịp nào đi tìm anh.

Hòa bình lập lại, rồi tiếp đến nhiều năm sau, gia đình tôi viết không ít thư đi các nơi thăm tìm, dò hỏi, kể rõ anh tôi có tên thật là Nguyễn Ngọc Tình, có bí danh là Cầm Van, ở đâu làm gì vào những năm, tháng ấy, song không ai hay biết cả. Mãi đến cuối những năm chín mươi, cả nhà tôi lại nảy ra ý định tìm kiếm một lần nữa! Có bạn bè mách bác Trần Quyết (nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng, Viện trưởng Viện KSNDTC) đã từng là Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La những năm 1947 - 1948, tôi tìm gặp bác. Không ngờ bác cười hồ hởi:

  • Ai chứ Nguyễn Ngọc Tình thì tôi nhớ! Tỉnh uỷ trực tiếp lãnh đạo Đội xung phong Quyết Tiến này mà!...

ở nhà bác Quyết về, tôi biên thư ngay lên Sở LĐ-TBXH tỉnh Sơn La tường trình mọi việc, không quên nhắc tên một người đã trực tiếp chôn cất anh trai tôi mà bác Quyết kể: bà Hà Thị Hom! Thư mới gửi đi tháng trước thì tháng sau, Sở LĐ-TBXH Sơn La dồn dập báo tin về: “đã gặp được bà Hà Thị Hom...”, rồi “đã xác định được sơ đồ mộ chí Nguyễn Văn Tình ở bản Mu Tươi, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, giáp biên giới Việt - Lào”, lại tin “6 cán bộ của Sở, do Phó giám đốc Hà Thị Chăm làm trưởng đoàn, cùng bà Hà Thị Hom, đã lên đường đi Mu Tươi tìm mộ!...” và sang tháng thứ 3 thì tôi nhận được giấy mời lên Sơ La để cùng Sở đi thăm mộ!.

Chúng tôi đến Sở LĐ-TBXH tỉnh Sơn La thì bà Hà Thị Hom đã chờ ở đấy. Bà hơn 70 tuổi rồi, chồng cũng là liệt sĩ, vừa thấy chúng tôi, bà ôm chầm lấy như những người ruột thịt lâu ngày mới gặp, mừng mừng, tủi tủi:

  • Thấy mộ anh Tình rồi! Thật khổ! Cũng vì xưa chỉ nhớ tên quê anh láng máng, mà mấy chục năm tôi thăm dò khắp nơi, vẫn không báo tin được cho gia đình...

Bà cố nén tiếng nấc, nghẹn ngào kể tiếp:

  • Hồi kháng chiến 9 năm, anh ấy về xây dựng phong trào quần chúng ở quê tôi mà! Chính anh đã tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho tôi, dìu dắt tôi vào Đảng...

Thấy bà tuổi già, sức yếu, đường đến bản Mu Tươi lại qua nhiều núi cao, rừng rậm, chúng tôi thưa với bà cứ ở nhà, đã có đoàn cán bộ của Sở đưa chúng tôi đi, song bà gạt phắt:

  • Tôi phải đi chớ! Tôi đã chôn cất anh! Tôi còn lấy cái chăn của tôi cuốn người cho anh, lại lấy cái áo gối đầu, lấy cái khăn phiêu che mặt, lấy hai đồng bạc trắng đặt vào lòng bàn tay để anh xuống dưới ấy “đi đò”... Chưa giao mộ anh tới tận người thân trong gia đình, tôi không nhắm mắt được!

Quả thật khi bốc mộ, gia đình còn thấy 2 đồng bạc trắng nằm lẫn trong những lớp xương...

Lần đi thăm mộ này, Phó giám đốc Sở, chị Hà Thị Chăm người dân tộc Thái, vẫn là trưởng đoàn. Trong thời gian đi cùng chúng tôi và tiếp ngay sau đó, chị đã nhanh chóng tiến hành các thủ tục xác minh để công nhận anh Tình là liệt sĩ và giải quyết các quyền lợi cho gia đình. Quả là Bộ và tỉnh đều quá quan tâm, sau chuyến đi đó về chưa bao lâu, thì Sơn La có thư nhắn gia đình lên đón hài cốt anh Tình về Cao Bằng.

Lên đến Sơn La, chúng tôi được đưa ngay sang nhà khách tỉnh. Đồng chí Đỗ Ân, khi đó là Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ ra tận cửa đón chúng tôi:

  • Năm chục năm trời bặt tin, nay tìm thấy mộ, gia đình vui, tỉnh chúng tôi cũng rất phấn khởi... Thiếu thốn gì, gia đình cứ đề đạt, anh em Sơn La chúng tôi đã hẹn với nhau rồi: Phải sống trọn nghĩa, vẹn tình...

Đồng chí Thanh, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, tiếp lời Bí thư khi đã ngồi quanh bàn khách:

  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Tình đã đi vào lịch sử kháng chiến chống Pháp của nhân dân Sơn La. Chúng tôi muốn đề nghị gia đình cho được đưa mộ anh từ biên giới Việt - Lào về NTLS của tỉnh, để đồng bào Sơn La được hương khói chăm sóc anh và còn để giáo dục, xây dựng truyền thống cho địa phương!...

Chúng tôi rất cảm kích trước tấm lòng ưu ái của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, song vẫn giữ nguyện vọng được đón anh về quê nhà, chỉ xin tỉnh tạo điều kiện giúp gia đình đưa hài cốt của anh về nơi chôn nhau cắt rốn được an toàn - Vì đường từ Sơn La đến Mu Tươi cất mộ đã xa, lại vòng về Cao Bằng hơn 1.200 cây số, chắc không ít gian khổ, khó khăn.

  • Cứ yên tâm. đồng chí Đinh Tư, Phó bí thư thường trực niềm nở. đây là trách nhiệm của Sơn La. Tỉnh uỷ đã giao nhiệm vụ cho chị Hà Thị Chăm và đoàn cán bộ của Sở LĐ-TBXH, rồi sẽ cùng gia đình đưa hài cốt anh Tình về đến nơi yên nghỉ cuối cùng...

Lần thứ 3, bà Hà Thị Hom lại có mặt trong đoàn đi Mộc Châu. Bà và anh Tình từng hoạt động ở vùng này, nên bà gặp rất nhiều người thân quen. Các cụ già cứ níu lấy bà hàn huyên, kể lể, thì ra suốt năm mươi năm, bản Mu Tươi vẫn săn sóc, giữ gìn chu đáo phần mộ cho anh. Đốt nương, thay rẫy luôn luôn, song bà con vẫn không động đến giải đất quanh nơi anh nằm. Theo phong tục địa phương, khi bốc mộ, nhà nào cũng phải mổ trâu cúng giàng, nhưng bà Hom nói sao mà cả bản đồng ý chỉ cần mổ lợn; ở đây, lợn đang gặp dịch, già làng lại cho phép mổ gà cúng thay và chính già lên thắp hương, khấn vái rất thành kính, xúc động...

Đường trường thật xa xôi, vất vả, nhưng khi đoàn và gia đình đưa được hài cốt anh tôi về tới Cao Bằng, thì bao mệt mỏi lại tan biến hết trước tình cảm đón nhận nồng hậu của Đảng bộ và nhân dân quê hương. Các đồng chí lãnh đạo của Cao Bằng đã họp nhiều lần với các ban, ngành, bàn bạc và chuẩn bị chu đáo lễ đón anh tôi về NTLS của tỉnh. Hương hoa ngờm ngợp. Người qua lại thăm viếng tấp nập, rộn rã suốt mấy ngày!...

Nguyễn Phúc Ấm