Long An: Hơn 24 nghìn ha lúa sẽ bị ảnh hưởng do hạn, mặn

Nông dân huyện Tân Trụ- Long An đào ao tích trữ nước ngọt.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, do ảnh hưởng triều cường kết hợp gió chướng nên độ mặn của các tuyến sông trên địa bàn tỉnh này dao động ở mức 0,8 đến 20g/l. Theo đó, độ mặn tại một số địa phương đã lên mức báo động, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2019 và đầu năm 2020.

Trên các sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra độ mặn ở mức từ 0,8 đến 20g/l. Dự kiến mặn xâm nhập sâu trên 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây từ 95km đến 100km, sâu hơn cùng kỳ 2016 từ 4km đến 6km.

Theo số liệu của Viện Khoa học thủy lợi iền Nam, dòng chảy trong tháng 2/2020 từ thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng có khả năng ở mức rất thấp, kéo theo tình trạng xâm nhập mặn sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 01g/l đã đến khu vực chợ Trà Cú, huyện Đức Hòa, cách cửa sông Soài Rạp 114km. Độ mặn đến cầu Xáng Nhỏ, huyện Bến Lức là 4g/l. Trên Sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 3,9g/l đã đến cống Bắc Đông, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, cách sông Soài Rạp 86km. Độ mặn 1g/l đã đến Tuyên Nhơn, huyện Thạnh Hóa.

Tại cống Xóm Lũy, sông Rạch Cát, huyện Cần Đước, độ mặn đo được ngày 10/02 là 20g/l. Tại sông Vàm Cỏ, độ mặn đo được tại vị trí cột đèn đỏ, huyện Châu Thành là 16,9g/l. Tại sông Tra, độ mặn đo được ngày 10/02 tại cống Rạch Tôm, huyện Châu Thành là 15,2 g/l.

Trên sông Vàm Cỏ Tây, tại cống Bình Tâm, TP Tân An, độ mặn đo được ngày 10/02 là 8,10g/l , tăng 2,1g/l so với ngày 07/02, và tăng 4,1g/l so với tháng 01/2020. Đặc biệt, cao hơn 7,7g/l so với cùng kỳ 2019. Tại bến đò Chú Tiết, TP Tân An, độ mặn đo được ngày 10/02 là 7,6g/l, cao hơn 7,4g/l so với cùng kỳ 2019….

Có thể thấy, so với năm 2019, độ mặn tăng rất cao trên tất cả sông chính. Ngoài ra, so với năm 2016, độ mặn cũng tăng cao và xâm nhập vào nội đồng sâu hơn. Có chỗ đã nhập sâu vào nội địa, lên tới địa bàn trước đây hầu như chưa bị xâm nhập mặn. Trước tình hình này, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Long An thường xuyên cập nhật số liệu để thông báo cho chính quyền địa phương, nông dân và cơ quan chức năm nắm bắt.

Ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa cho biết, Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp Sở Giao thông - Vận tải Long An cho đóng tất cả các cống tròn ngang qua quốc lộ 62 để ngăn mặn xâm nhập nội đồng. Ngoài ra, trên các kênh lớn như kênh Bến Kè, kênh Bà Hai Màng, kênh Ông Nhượng,… đều đã đắp đê hoặc làm cống ngăn mặn.

Đánh giá về tình hình hạn, mặn năm 2020, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho rằng, hạn, mặn năm nay sẽ nghiêm trọng hơn so với năm 2016 và cũng sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của bà con. Dự báo Long An có khoảng trên 14 nghìn ha lúa, hơn 10.500 ha rau màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn tại các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành.

Cùng với đó là hàng nghìn hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc. Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh cần thường xuyên đo đạc, theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước, xâm nhập mặn trên các trục chính và các tuyến kênh, rạch nội đồng; liên tục cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo các cơ quan chuyên môn, địa phương để kịp thời khuyến cáo người dân chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Phối hợp địa phương kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước để thực hiện các giải pháp công trình như nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm dã chiến để kịp thời dẫn nước, trữ nước; kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu, cống đầu mối để kịp thời phát hiện sự cố và sửa chữa; tuyên truyền hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất, thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn ở các địa phương và của các đơn vị cung cấp nước.

Trước đó, các ngành chức năng và địa phương của tỉnh Long An đã tuyên truyền, vận động nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của địa phương; ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn. Các khu vực phía Nam của tỉnh không đảm bảo nguồn nước ngọt thì không được gieo sạ. Đồng thời, có các phương án để kịp thời cung cấp nước uống, nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân vùng bị thiếu nước. Rà soát, tu bổ, tôn cao các tuyến bờ bao xung yếu bị thẩm lậu, bờ bao thấp và đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn.

Kiểm tra các cống đầu mối, phủ bạt chống rò rỉ nước mặn vào nội đồng. Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, nạo vét khơi thông dòng chảy. Các địa phương khảo sát, thi công ngay các đập tạm đầu các kênh cấp 1, 2, 3 nội đồng; tập trung bơm nước nhiều cấp để trữ nước trong nội đồng và tạo không gian, hạ thấp mực nước ngoài kênh trục chính để bổ sung nguồn nước trữ đảm bảo phục vụ trong mùa khô./..

K.V