“Lợn “đào ngũ” rồi, thủ trưởng ơi!”
Ngày 15-4-1947, thực dân Pháp tấn công lên Hòa Bình lần thứ nhất. Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, toàn dân ta đã tiêu thổ kháng chiến, thực hiện vườn không, nhà trống, sơ tán dân, lập làng bản kháng chiến.
Đón Tết Nhâm Thìn (1952), 100% cán bộ, chiến sĩ các đơn vị ở lại trực chiến. Đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình ủng hộ bộ đội lợn, gà, rau, đậu, gạo nếp. Còn Trung đoàn thì cấp cho tiểu đoàn 4 con lợn.
Một tình huống bất ngờ xảy ra. Số là, con lợn chừng trên 50 kg khiêng từ Kim Bôi về đã xổng rọ “biến mất”. Ông Vấn là người đầu tiên phát hiện “sự kiện nóng hổi này” liền kêu toáng lên: "Lợn “đào ngũ” rồi, thủ trưởng ơi!".
Nghe tiếng kêu, Tiểu đoàn trưởng Đinh Công Niết cùng mọi người chạy đến, nhìn cái rọ không lăn chổng chơ mà buồn thiu!
Tìm hiểu, hóa ra do cái rọ tre cũ đã bị mục ải, ban đêm lợn hồi sức cựa quậy thoát ra ngoài. Vậy là hết ăn tươi, Tiểu đoàn trưởng Niết động viên anh em giữ bí mật, ăn tạm bằng cá khô, mắm kem dự trữ.
Tưởng mọi việc chấm hết. Nào ngờ vào buổi chiều mồng 5 tháng Giêng, anh em vào rừng tìm măng, rau rừng, cây chuối và lấy củi, thì phát hiện được “kẻ đào tẩu” đêm hôm nọ đã chạy thục mạng sa chân rơi xuống hố của một gia đình dân tộc Mường ở thôn Bãi Trạm, xã Lú Sáng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Thấy lợn sổng chuồng, biết chắc là chỉ của đơn vị bộ đội, nhưng không chắc là của đơn vị nào. Cũng không dám vào đơn vị hỏi vì yêu cầu phòng gian bảo mật rất cao, nên gia đình chỉ báo cho chính quyền địa phương rồi nhốt lại, giao cho anh con trai trông coi, sau Tết trả cho bộ đội.
Mừng quá, đơn vị đến cám ơn gia đình, xin lợn về cho ăn no, vỗ béo.
Nguyễn Công Huân