Lối thoát nào cho Ukraina?

Binh sĩ được tin là lính Nga bên ngoài một căn cứ quân sự của Uraina tại làng Perevalnoye thuộc Crưm.

(Báo tháng 8) -Có thể nói chưa bao giờ nền chính trị của phương Tây mà điển hình là các nước châu Âu lại rơi vào một cuộc khủng hoảng ở diện rộng như hiện nay.

Nếu như nước Anh đang vật lộn với cuộc chiến Brexit chưa thấy hồi kết; nước Pháp với hàng loạt những cuộc biểu tình bạo loạn diễn ra trong nhiều tháng qua của người dân phản đối các chính sách của Tổng thống Macron; các Chính phủ Tây Ban Nha, Ý lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng... thì tại quốc gia xinh đẹp Ukraina cũng đang vấp phải một cuộc khủng hoảng chính trị chưa có lối thoát.

Khi diễn viên hài nổi tiếng Volodymyr Zelensky của Ukraina một gương mặt thân quen với người dân của quốc gia này được chính thức bầu làm Tổng thống, thì cả thế giới ngạc nhiên! Ai cũng cố đi tìm lời giải đáp cho một câu hỏi: Các nhà chính trị chuyên nghiệp của Ukraina đi đâu hết rồi, mà để cho người dân ở quốc gia này phải bầu cho một diễn viên hài chưa hề có kinh nghiệm chính trị lên lãnh đạo một quốc gia với dân số hơn 40 triệu người?

Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta cần phải đi ngược lại dòng lịch sử vào thời kỳ hậu Xô Viết.

Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, cũng giống như nhiều nước SNG khác Ukrania nhanh chóng du nhập nền kinh tế tư bản và chế độ dân chủ phổ thông như mô hình của nhiều nước châu Âu với một niềm tin mãnh liệt rằng sự kết hợp của mô hình Dân chủ với nền kinh tế Tư bản sẽ nhanh chóng đưa đất nước Ukraina ra khỏi những khủng hoảng kinh tế, xã hội thời hậu Xô Viết. Thế nhưng sự thật lại ngược lại, Ukraina liên tục lâm vào hết những cuộc khủng hoảng này, tới khủng hoảng khác; đặc biệt vấn nạn tham nhũng diễn ra trầm trọn hơn bao giờ hết, mức sống, thu nhập và cả tuổi thọ lẫn sức khỏe của người dân Ukraina sụt giảm nghiêm trọng.

Các nhà chính trị của Ukraina thay nhau lên nắm quyền bằng những lời hứa lúc tranh cử ngọt ngào là sẽ “ổn định chính trị, xử lí tham nhũng, phát triển kinh tế...”(!) Nhưng! Thật buồn là gần 30 năm qua, từ khi tiến hành cải cách, nền kinh tế của Ukraina liên tục rơi vào tình trạng tăng trưởng âm với mức trung bình là -1,3% mỗi năm; dầu rằng Ukraina là quốc gia được sở hữu nền công nghiệp nặng cực kì hiện đại và phát triển từ thời Liên Xô để lại. So với những con số tăng trưởng kinh tế của những quốc gia cũng tiến hành cải cách vào cùng thời điểm như Việt Nam với 5-6% tăng trưởng dương mỗi năm; hay Trung Quốc với 9-10% mỗi năm; thì chúng ta thấy nền kinh tế của Ukraina sau hơn 30 năm cải cách đã hoàn toàn thất bại.

Sự thất bại của nền kinh tế Ukraina được bắt nguồn chính từ những đường lối sai lầm của hệ thống lãnh đạo của quốc gia này.

Sau khi chuyển từ xã hội tập trung bao cấp thời Liên Xô sang một xã hội theo mô hình tư bản, lẽ ra phải có bước đệm - giai đoạn quá độ. Và giai đoạn quá độ này đòi hỏi vai trò và tầm nhìn của người lãnh đạo phải vừa có tầm nhìn để đặt ra những mục tiêu lâu dài cho ổn định chính trị, vừa có những quyết sách cụ thể, phù hợp để vừa nâng cao dân trí, vừa cải cách bộ máy hành chính từng bước phù hợp với cơ chế mới, tạo tiền đề cho những phát triển kinh tế trong tương lai.

Có lẽ do quá nóng vội trong việc học tập phương Tây, Ukraina đã “lắp ráp” mô hình chính trị phương Tây ở thượng tầng, trong khi hạ tầng xã hội lại chưa được chuẩn bị để đáp ứng, nhất là nhận thức, thói quen của đông đảo công chúng.

Trên cấu trúc xã hội đó, các chính trị gia lại chỉ chạy theo “tư duy nhiệm kỳ” - cố gắng bằng mọi cách tung ra những chiến dịch tranh cử với những lời hứa đẹp đẽ để lấy lòng cử tri nhằm thu hút phiếu bầu, mà không nghĩ đến hậu quả của nó khi không thực hiện được lời hứa trước cử tri. Hệ quả là nền chính trị Ukraina như một ngôi nhà được xây từ nóc, hoàn toàn thiếu đi cái móng vững chắc; do đó các nhà tư bản thay nhau lợi dụng hệ thống chính trị mục rỗng của thời điểm “tranh tối, tranh sáng” này để cấu kết với các quan chức Chính phủ rút ruột tài sản quốc gia và thâu tóm nền kinh tế gây ra khủng hoảng toàn diện.

Không những thế, các chính trị gia của Ukraina như ông Poroshenko khi lên nắm quyền còn kích động người dân Ukraina bằng những chính sách bài Nga vô lý và hoàn toàn không có cơ sở. Từ đó, đã đưa đất nước Ukraina vào những cuộc khủng hoảng chiến tranh, quân sự trên diện rộng với chính nước Nga láng giềng; mà lẽ ra phải tiến hành đường lối ngoại giao khôn khéo và đúng đắn để giữ mối quan hệ với nước Nga láng giềng, nhằm hòa bình, ổn định giúp nền kinh tế quốc gia phát triển. Nhưng với tầm nhìn hạn hẹp, chạy theo tư lợi cá nhân ông Poroshenko đã đưa Ukraina vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, đất nước thì bị chia rẽ, kinh tế suy sụp, người dân Ukraina phải bỏ tổ quốc, tị nạn đi khắp nơi trên thế giới.

Nghĩa là lối thoát của Ukraina hôm nay cần phải làm ngược lại với tư duy của người tiền nhiệm. Cử tri Ukraina hy vọng ông Volodymyr Zelensky sẽ từ bỏ nghề diễn viên hài của mình để “lột xác” trở thành thủ lĩnh chính trị thực thụ để chèo lái “con thuyền Ukraina” ra khỏi sóng dữ.

Hoàng Nguyễn