Lợi thế mong manh (10/10/2012)
Hiệu ứng của cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa ứng cử viên tổng thống của hai đảng hồi tuần trước vẫn tiếp tục có những tác động tới thái độ của cử tri, góp phần rút ngắn dần ưu thế dẫn điểm của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Diễn biến này cũng báo hiệu chiều hướng căng thẳng và quyết liệt hơn của hai cuộc tranh luận trực tiếp còn lại giữa hai ứng cử viên vào các ngày 16 và 22-10. Cuộc tranh luận đầu tiên đã lập kỷ lục mới với 67,3 triệu người theo dõi qua truyền hình.
Kết quả thăm dò công bố của Viện Ga-lớp cho thấy, Tổng thống Ô-ba-ma tuy vẫn dẫn ông Rôm-ni với tỷ lệ 49% - 46%, nhưng khoảng cách dẫn điểm đã bị rút ngắn từ 5% xuống 3%. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa tháng 9-2012, ông Rôm-ni dẫn điểm ông Ô-ba-ma. Tổ chức thăm dò dư luận Ipsos cho biết lý do chủ yếu khiến ông Ô-ba-ma bị mất điểm là vì có tới 54% cử tri được hỏi ý kiến nói rằng, ông Rôm-ni đã nổi lên trở thành người chiến thắng trong cuộc tranh luận đầu tiên. Có 20% cử tri nói rằng diễn biến cuộc tranh luận khiến họ có cảm giác tiêu cực về Tổng thống Ô-ba-ma, trong khi tỷ lệ cử tri có thiện cảm với ông Rôm-ni tăng từ 14% lên 30%. Ở thời điểm hiện tại, theo dự báo của tổ chức Intrade, cơ hội tái cử nhiệm kỳ hai của ông Ô-ba-ma đã giảm từ 69% xuống 66% và cơ hội chiếm ghế ông chủ Nhà Trắng của ông Rôm-ni vẫn dừng ở mức 31%.
Cũng liên quan tới cuộc vận động tranh cử, Ủy ban toàn quốc của đảng Dân chủ thông báo trong tháng 9 vừa qua, ông Ô-ba-ma và đảng Dân chủ đã quyên góp được tổng cộng 181 triệu USD từ gần 2 triệu người. Trong khi đó, riêng trong 48 giờ sau đêm ngày 3-10, ông Rôm-ni đã nhận được 12 triệu USD tiền đóng góp.
Mặc dù ông Rôm-ni được đánh giá là chiếm ưu thế hơn trong cuộc tranh luận đầu tiên, song đây lại không phải là vòng đấu loại trực tiếp để có thể mang lại kết quả cuối cùng cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Thực tế cho thấy, dù các cuộc tranh luận nằm trong số những sự kiện đáng nhớ của mỗi chiến dịch tranh cử thì bản thân chúng lại có rất ít khả năng để có thể làm thay đổi kết quả bầu cử. Bởi lợi thế này cũng được cho là khá “mong manh” trước cuộc quyết đấu sắp tới.
Một số nhà phân tích khác cũng cho rằng, ông Ô-ba-ma tỏ rõ vẻ nôn nóng trong vòng tranh luận đầu tiên và dường như Tổng thống Mỹ không muốn tham gia vào sự kiện này. Qua đó, giới phân tích Mỹ khuyến cáo ông Ô-ba-ma cần tránh không vấp phải các lỗi tương tự trong hai vòng tranh luận còn lại và thể hiện một khả năng “trình diễn” tốt như đối thủ Rôm-ni. Kết hợp cùng với những ưu thế dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ tại nhiều bang quan trọng mà ông Ô-ba-ma đang nắm giữ, việc có một thái độ “cảnh tỉnh” sau hiệp tranh luận đầu tiên để tham gia vào các vòng sau một cách thuyết phục hơn sẽ càng khiến ông Ô-ba-ma ghi điểm và có thể tiến những bước đi vững chắc hơn trong chặng đường quay trở lại làm ông chủ quyền lực của Nhà trắng.
Thanh Lâm