Lối ra cho tôm sú ở Đồng bằng sông Cửu Long (20/08/2009)

Nuôi con tôm sú bấp bênh

Qua số liệu của các tỉnh ĐBSCL, năm 2008 toàn vùng có hơn 560.000 ha được thả giống, nhưng diện tích tôm nuôi thiệt hại chiếm khá cao từ 50-60%, chỉ có 30-35% hộ nuôi có lãi, còn lại lấy công làm lãi. Hiện nay người nuôi tôm sú ở các tỉnh ven biển ĐBSCL không còn thiết tha với con tôm sú, bởi giá tôm nguyên liệu bán ra quá thấp, không bù nổi chi phí người nuôi. Giá tôm năm 2008 giảm 20-30% so với năm 2007; trong khi đó có một nghịch lý là thức ăn, thuốc thú y thủy sản, con giống… lại tăng từ 15-30%. Nên vụ nuôi tôm sú năm nay, diện tích giảm mạnh và nhiều hộ chuyển sang nuôi các loài thủy sản khác.

Có dịp tiếp xúc với người nuôi tôm sú ở ĐBSCL hiện nay, bà con đều phản ảnh trên 70% diện tích tôm nuôi chậm lớn do môi trường bị ô nhiễm, đất nuôi tôm bị khai thác quá mức nên bị chai, còn tôm giống chất lượng không cao…

Một trong những căn nguyên của tình trạng này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa biết đến khi nào mới được khắc phục: tôm giống kém chất lượng không qua kiểm dịch vẫn được bán tràn lan. Theo Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Bạc Liêu từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra trên 355 mẫu tôm giống tại các cơ sở bán tôm giống đã phát hiện có 186 mẫu bị nhiễm bệnh MBV (chiếm 52,4%); 37 mẫu bị nhiễm bệnh đốm trắng (10,4%); 39 mẫu bị nhiễm bệnh đầu vàng (11%). Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có 282 cơ sở ương, thuần dưỡng, gièo tôm sú giống, thì nay có 60% ngưng hoạt động, một số chuyển sang ép tôm thẻ chân trắng hoặc nuôi tôm đất, tép bạc. Mỗi năm khu vực ĐBSCL có nhu cầu thả nuôi 25-30 tỉ con tôm sú giống, với diện tích hơn 560.000ha, nhưng nguồn tôm sú giống sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, ngành chức năng các tỉnh này khó kiểm soát được một số đàn tôm giống nhập vào tỉnh không qua kiểm dịch (nhập lậu), phần lớn số tôm này kém chất lượng, bị nhiễm bệnh… đáng báo động. Điều này dẫn đến tình trạng tỷ lệ tôm sú giống nhiễm bệnh mấy năm gần đây ở ĐBSCL lên đến 50-60%.

Người nuôi tôm khát vốn

Một thực tế là người nuôi tôm sú ở ĐBSCL có đến trên 80% số hộ nuôi được tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn, trong số đó cũng có tỷ lệ nợ quá hạn chiếm khá cao. Nguyên nhân hộ “chây lỳ” cố tình không trả nợ ngân hàng rất ít mà nguyên nhân chính là do thất mùa tôm liên tục. Theo Agribank Sóc Trăng, nhiều xã tỷ lệ nợ quá hạn chiếm khá cao từ 45- 50%. Dư nợ bình quân của một xã nuôi tôm ở 3 huyện Long Phú, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu từ 10-30 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ nuôi tôm nợ ngân hàng từ 30-60 triệu đồng.

Ông Lương Minh Quyết, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên trăn trở: “Thiếu vốn nhưng hầu hết các hộ nuôi tôm trong huyện không thể vay ngân hàng được vì còn nợ từ những năm trước. Việc tiếp cận vốn vay ngân hàng coi như không thể, còn nguồn vốn vay bên ngoài lãi suất cao người nuôi chưa dám vay do giá tôm quá thấp. Các nhà kinh doanh dịch vụ con giống, thức ăn... cũng không còn mặn mà đầu tư cho con tôm vì rủi ro cao. Do vậy, muốn giữ vững vùng tôm - lúa cần phải có chính sách đầu tư vốn cho vùng này. Hiện nay, chỉ tính riêng việc đầu tư nâng cấp ao vuông cho 10.000 ha cũng vào khoảng 20 tỉ đồng, còn nếu tính chung suất đầu tư cho 18.000 ha nuôi tôm của huyện thì tổng vốn đầu tư khoảng 40-50 tỉ đồng. Trong khi chờ đợi nguồn vốn, chúng tôi đã khuyến cáo người nuôi thả tôm giống mật độ thưa, sử dụng thức ăn tự chế để giảm chi phí vụ nuôi”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định số 131, 443, 497 về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn của các ngân hàng thương mại được xem là giải pháp để giúp cho các pháp nhân (HTX, doanh nghiệp…), cá nhân (xã viên, nông dân…) vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Song, khi thực hiện quyết định này ở ĐBSCL còn nhiều lúng túng trong việc thực hiện. Như vậy, bài toán về vốn cho vụ nuôi tôm sú 2009 xem ra vẫn chưa tìm được lời giải, nên đã có nhiều dự đoán diện tích, sản lượng tôm nuôi năm nay sẽ giảm mạnh.

Phương Nghi