Theo Bác sĩ, Tiến sĩ Trần Viết Lực (Trưởng khoa thần kinh-Bệnh viện Lão khoa T.Ư) thì đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Lâu nay có 2 nguyên nhân chính được chú ý là do môi trường và do yếu tố di truyền.
Trước hết về môi trường: Có thể do sự ảnh hưởng của chất độc trong môi trường sống tăng lên theo thời gian, cuối cùng dẫn tới sự biến đổi gen di truyền của người bệnh.
Các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, nguồn nước ăn lộ thiên và người làm việc tiếp xúc trực tiếp với các chất hóa học độc hại từ các loại thuốc này có thể là nguyên nhân gây bệnh tại vùng nông thôn.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra được chất độc nào là nguyên nhân gây bệnh. Đây chỉ là những nguyên nhân có yếu tố đơn lẻ, không thể chắc chắn là yếu tố làm tăng tính chất của bệnh.
Gen di truyền: Một vài gen được biết là nguyên nhân gây bệnh parkinson nhưng chúng chỉ là nguyên nhân của rất ít các trường hợp bệnh nhân (dưới 1% tất cả các trường hợp bệnh nhân).

4 triệu chứng của bệnh
Bác sĩ Trần Viết Lực cho biết, người bệnh có rất nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng tựu chung có 4 triệu chứng điển hình gồm:

  • Run: Run xuất hiện ở 1 bên, đầu tiên ở ngón cái, kiểu như vê thuốc lá. Run tăng khi nghỉ ngơi, giảm khi hoạt động chủ ý, mất đi khi ngủ.
  • Cứng cơ, khớp: Gây ra các khó khăn trong vận động của các chi.
  • Giảm các động tác: Người bệnh làm các động tác chậm chạp, khó khăn. Các biểu hiện này rất “kín đáo” trong giai đoạn đầu. Bệnh thường xuất hiện ở 1 bên trước như người bệnh thấy 1 bên tay, chân cử động chậm chạp, khó khăn, không chính xác. Nếu bị ở chân, người bệnh đi các bước chân chậm và nhỏ hơn bình thường. Chính vì vậy, khi người già bị bệnh, thường quy cho bệnh tuổi già nên phát hiện bệnh rất muộn.
  • Rối loạn tư thế: Đi hai chân chụm, bước rất nhỏ, người khom ra phía trước, tay không di chuyển cùng chân khi đi, dễ té, khó xoay chuyển theo 1 hướng nào đó...
    Ngoài ra, người bệnh có thể bị: trầm cảm, lo âu, rối loạn thần kinh thực vật...
    Để hạn chế mắc bệnh Parkinson, theo Bác sĩ Trần Viết Lực thì cần có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, luyện tập điều độ, hợp lý.
    Ăn uống lành mạnh, ăn một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng có chứa nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Khi gặp trạng thái căng thẳng cần kiểm soát cảm xúc bằng cách ngồi tập các bài thể dục như thiền, yoga. Yoga cũng là một loại tập thể dục làm tăng tính linh hoạt và sự cân bằng cho cơ thể người bệnh Parkinson.
    Minh Vũ