Lời kêu gọi Tôn trọng Toàn vẹn lãnh thổ và Hòa bình

Cách đây 70 năm, sau thành công của Cách mạng tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ngày 2/9/2015, nhân dân Việt Nam và bạn bè của Việt Nam trên khắp năm châu đã tổ chức kỷ niệm sự kiện này, ca ngợi vai trò đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suốt đời đấu tranh để có được nền độc lập này cho dân tộc Việt Nam đồng thời cũng đấu tranh để đất nước thực sự được hòa bình.
Ngày nay, Việt Nam lại đang phải đối mặt với một sự căng thẳng vốn có sẵn với Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.
Với mối quan ngại sâu sắc, chúng tôi nhận thấy rằng Trung Quốc đang theo đuổi chính sách bành trướng ở Biển Đông (mà Trung Quốc gọi là Biển Hoa Đông) và đang từng bước quân sự hóa vùng biển này. Từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã không ngừng đẩy tới việc thực hiện chính sách này và tốc độ bành trướng của Trung Quốc trong những tháng vừa qua lại càng đáng lo ngại hơn. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của mình ở 90% diện tích Biển Đông. Tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa), họ đã đổ nhiều lượng lớn cát lên các đảo nhỏ và bãi đá, biến chúng thành những đảo nhân tạo rất lớn. Tại quần đảo Hoàng Sa (gọi theo tên Trung Quốc là Tây Sa) mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm của Việt Nam năm 1974, Trung Quốc đã xây dựng nhiều công trình to lớn.
Hiện nay, Trung Quốc đã xây dựng xong sân bay với chiều dài 3125 m trên đảo Chữ Thập, biến đảo đá ngầm này thành hòn đảo khổng lồ. Họ cũng biến hai bãi đá ngầm khác là Vành Khăn và Subi thành những đảo nhân tạo và đang xây dựng hai sân bay khác trên hai đảo đó. Cùng với quá trình trên, Trung Quốc đang lắp đặt nhiều loại thiết bị kỹ thuật quân sự trên đảo Châu Viên (Trung Quốc gọi là Hoa Dương) và trên bốn đảo đá ngầm được bồi đắp thành các đảo nhân tạo mới là Tư Nghĩa (Đông Môn), Gạc Ma (Xích Qua), Gaven (Nam Huân) của Việt Nam và đảo Ken-nam (Tây Môn) thuộc chủ quyền của Philippines. Các đảo này đang dần từng bước trở thành những căn cứ quân sự thực thụ cách lãnh thổ Trung Quốc trên dưới 1400 km.
Thực hiện chính sách đặt mọi việc vào sự đã rồi, thực thi các hành động khiêu khích và thôn tính không được quốc tế thừa nhận, Trung Quốc đang làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và khinh thường luật phát quốc tế. Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà chính họ đã ký kết. Trung Quốc đang đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự tự do hàng hải trong khu vực.

Chúng tôi, các tổ chức bạn bè của Việt Nam, hành động vì một sự phát triển hài hòa và mang tính xây dựng, khao khát hòa bình và công lý, không thể chấp nhận sự leo thang nguy hiểm này.
Chính vì thế, chúng tôi lên tiếng để
• Phản đối những hành động thôn tính và thay đổi hiện trạng trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông;
• Yêu cầu tôn trọng :

  • chủ quyền của Việt Nam và của các quốc gia ven biển;
  • Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông (DOC) được ký giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc ;
  • luật pháp quốc tể,
  • hòa bình,
  • tự do hàng hải;
    • Ủng hộ Việt Nam và các quốc gia ven biển trong việc gìn giữ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ;
    • Yêu cầu sớm mở các cuộc thương lượng có tính xây dựng giữa Trung Quốc và ASEAN;
    • Chúng ta cùng hành động vì hòa bình, công lý, vì một thế giới không có chiến tranh.
    Để thiết lập mối quan hệ ổn định bền vững giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai bên cần đạt được một hiệp định cuối cùng về phân định ranh giới trên biển như hai nước đã phân định được mốc giới trên đất liền cách đây vài năm.
    Gần đây, hai nước đã thành lập nhóm hỗn hợp liên nghị viện để tìm một giải pháp cụ thể về phân định đường ranh giới trên biển. Chúng tôi kêu gọi các bên khởi động lại và thúc đẩy công tác bàn thảo và thương lượng này để ủy ban liên chính phủ lần thứ hai giữa hai nước có thể đạt được kết quả tương tự như việc phân định đường biên giới trên đất liền Trung-Việt.
    Với mong muốn đó, chúng tôi xin khẩn cầu cộng đồng quốc tế và Ngài Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon hãy mau chóng cùng hành động để luật pháp quốc tế được tôn trọng và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Hội hữu nghị Pháp-Việt
Trung tâm nghiên cứu Torino
Hội Toàn quốc Ý-Việt
Hội hữu nghị với Việt Nam của CHLB Đức
Hội Thụy Sĩ-Việt Nam
Hội hữu nghị Bỉ-Việt
Hội hữu nghị Galicia-Việt Nam
Al Burke, Điều phối viên của Hội nghị Môi trường về CPC, Lào và Việt Nam của Thụy Điển