Lợi ích lớn khi tham gia BHXH tự nguyện

Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về BHXH tự nguyện trong Luật BHXH chỉ rõ những lợi ích thiết thực hơn khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện:

  • Phương thức đóng được quy định cụ thể cho các trường hợp đóng trước và đóng bù những năm còn thiếu khá linh hoạt như sau: Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần (60 tháng); Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu, thời gian còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng).
  • Thuận tiện trong việc thực hiện phương thức đóng một lần: Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong thời gian đó Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 3 tháng, hoặc 6 tháng, hoặc 12 tháng một lần, hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong thời gian đó chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc hoặc chết, hoặc nhận BHXH một lần thì người tham gia hoặc thân nhân được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó tương ứng với thời gian còn lại. Khi Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, người tham gia thuộc đối tượng được hỗ trợ sẽ chỉ phải nộp số tiền đóng thuộc phần trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH tự nguyện do cơ quan BHXH chỉ định.
  • Cụ thể hóa quy định việc hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện: Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần tiền đóng hàng tháng với mức hỗ trợ khác nhau theo các nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật và người sống có phụ cấp khu vực. Thời gian được Nhà nước hỗ trợ đề xuất là 10 năm.
    Những quy định nêu khẳng định một cách rõ nét những lợi ích có được khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, để gia tăng độ bao phủ quy mô người lao động tham gia loại hình BHXH này, cần thiết nâng cao nhận thức của người lao động hiểu rõ và nhận diện một cách đầy đủ nội dung cũng như các chính sách của Nhà nước đã và sẽ đầu tư cho người lao động tham gia loại hình này trên nhiều phương diện. Vì vậy hệ thống bộ máy tổ chức của các cơ quan BHXH tại các địa phương cần có sự đổi mới thực sự và cải cách sâu rộng nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của loại hình BHXH này trên cơ sở nâng cao tốt hơn chất lượng dịch vụ cũng như tạo ra một môi trường thân thiện giữa cán bộ trực tiếp làm công tác này với đối tượng tham gia và thụ hưởng. Sự điều chỉnh và bổ sung chế độ, chính sách BHXH tự nguyện với những lợi ích nêu trên chỉ đem lại hiệu quả và thiết thực khi mà hệ thống cơ quan tổ chức thực hiện cũng phải thay đổi đồng bộ tạo sự hấp dẫn và niềm tin của mọi đối tượng tham gia loại hình BHXH này, đáp ứng đông đảo nguyện vọng của người lao động về quyền được tham gia và quyền được thụ hưởng BHXH của mọi người dân trong xã hội.
    Chí ĐứcNguồn: Bộ LĐTBXH