Lời Bác dạy luôn chỉ dẫn hành động cho tôi
Bác Hồ với các chiến sĩ Khẩu đội 6 ngày 19-7-1965. Ảnh: TL
Đầu tháng 5-1965, sau những ngày cùng quân và dân Thanh Hóa chiến đấu quyết liệt đánh máy bay địch bảo vệ cầu Hàm Rồng, Trung đoàn 234 cao xạ (Quân chủng Phòng không - Không quân), nay là Lữ đoàn Phòng không 234 (Quân đoàn 3) được lệnh cơ động về bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Thời gian này, giặc Mỹ đang leo những nấc thang mới trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân. Biết trước địch sẽ đánh vào Hà Nội, cấp trên đã chủ động tổ chức mạng lưới phòng không để đón chúng. Đại đội 1 cao xạ 57mm của tôi lập trận địa ở phía nam sân bay Bạch Mai, sẵn sàng đánh máy bay địch từ hướng tây nam vào. Sáng sớm ngày 19-7-1965, đơn vị vừa làm xong công tác chuẩn bị chiến đấu thì thấy một đoàn xe đi vào trận địa. Đoàn xe dừng lại, mọi người chưa hết ngỡ ngàng thì từ xe thứ ba Bác Hồ bước ra. Cả đơn vị reo lên sung sướng: Bác Hồ! Bác Hồ! Bác mỉm cười vẫy tay chào mọi người rồi đi thẳng vào Khẩu đội 6 của tôi. Cùng đi với Bác có Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Song Hào - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đại tá Phùng Thế Tài - Tư lệnh và Đại tá Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân.
Như bao người khác, từ lâu hình bóng Bác luôn ở trong trái tim tôi. Nhưng hôm nay tôi mới tận mắt nhìn thấy Bác. Bác mặc bộ quần áo màu gụ, chân đi dép cao su, khuôn mặt Bác hồng hào, giọng nói hiền từ ấm áp. Bác hỏi chúng tôi về tình hình sức khỏe, ăn ở ra sao, rồi đi đến cầm chiếc mũ sắt của Khẩu đội trưởng Lương Phúc Thoại, sửa lại quai, đội thử, rồi hỏi:
- Chiếc mũ này nặng mấy cân? Các chú đội lâu có nóng không? Có nhức đầu không?
- Dạ thưa Bác, ba cân ạ! Chúng cháu sức trẻ đội nhiều quen rồi, không thấy nóng và nhức đầu ạ! - Chúng tôi cùng trả lời. Bác nhìn khắp lượt chúng tôi rồi ân cần nói:
- Các chú nói dối Bác. Bác đội thấy nặng lắm, nóng lắm, nhức đầu lắm! Bác gỡ mũ đưa cho anh Thoại rồi căn dặn: “Khi máy bay địch còn xa, các chú có thể để mũ xuống bên cạnh cho đỡ nóng, đỡ nhức đầu. Nhưng nhớ để cho gọn, lúc cần lấy được ngay!”.
Bỗng Bác hỏi:
- Khẩu đội các chú có mấy người?.
- Dạ, chúng cháu có 8 người ạ!” - anh Thoại thưa với Bác.
Bác gật đầu và lấy bao thuốc lá Thủ đô, rút ra 8 điếu, lần lượt chia cho từng người. Tôi lúc đó là pháo thủ số 5 đứng dưới công sự, là người thứ ba được Bác chia thuốc. Bác chia được 7 điếu thì hết người, còn thừa 1 điếu. Bác hỏi anh Thoại:
- Chú bảo với Bác là tám người, sao đây mới có bảy, còn một chú đi đâu?
- Dạ thưa Bác, còn một đồng chí đứng canh giới trên kia ạ! - Anh Thoại lại lễ phép thưa với Bác. Bác khen chúng tôi có ý thức cảnh giác tốt, rồi Bác tự trèo lên thành công sự, đưa điếu thuốc đến tận tay chiến sĩ cảnh giới. Sau đó, Bác nói đồng chí Tư lệnh tập trung bộ đội để Bác nói chuyện.
Hơn 1 giờ, Bác thông báo về tình hình thế giới, trong nước. Bác nói nhiều đến chiến thắng của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Bác phân tích về địch rồi nhận định: Rồi đây, đế quốc Mỹ sẽ tăng cường đánh phá miền Bắc, kể cả Thủ đô Hà Nội. Chúng sẽ không từ thủ đoạn hèn hạ nào để thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Nhưng chúng sẽ không bao giờ thực hiện được điều đó. Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B52, B57 hay “bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng. Nói đến đây, Bác dừng lại hỏi: “Vừa qua, mỗi tàu bay Mỹ các chú bắn rơi, hết bao nhiêu viên đạn?”. Đồng chí Văn Tiến Dũng thưa với Bác, hết 1.500 viên. Bác nói: “Thế thì nhiều quá. Đồng bào và chiến sĩ miền Nam đang có khẩu hiệu “Mỗi viên đạn một quân thù”. Còn các chú, tàu bay địch ở trên cao, lại bay nhanh, rất khó bắn trúng. Bác cho các chú 20 viên đạn 1 quân thù. Các chú phải thường xuyên luyện tập để tàu bay Mỹ đến, đã bắn là trúng. Các chú có đồng ý không?”.
- Đồng ý ạ! Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đồng thanh.
- Bác chúc các chú mạnh khỏe, bắn rơi được nhiều máy bay Mỹ! Nói rồi, Bác giơ tay vẫy chào tạm biệt chúng tôi.
Những lời Bác dạy chúng tôi hôm đó đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong đơn vị. Chỉ 8 ngày sau, đại đội tôi cơ động bảo vệ trận địa tên lửa ở Trung Hà (Hà Tây), bằng một loạt 9 viên đạn, chúng tôi đã bắn đứt đôi chiếc F105 “Thần sấm” Mỹ, rơi ngay tại trận địa. Những ngày sau đó, đại đội được về cùng Trung đoàn bảo vệ Thủ đô. Trận địa của chúng tôi đã trụ vững giữa lòng Thủ đô. Nòng pháo của Trung đoàn vươn cao trên nóc nhà Quốc hội, trên trụ cầu Long Biên… cùng quân dân Hà Nội bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Giữa những ngày chiến đấu vô cùng ác liệt, sáng ngày 25-9-1966, Bác lại về thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ trung đoàn tại trận địa Đại đội 6 ở Quảng Bá bên bờ Hồ Tây. Đáp lại sự quan tâm săn sóc ân cần của Bác, toàn Đoàn lại bừng lên cao trào thi đua mới, tiếp tục ghi thêm nhiều chiến công xuất sắc. Đặc biệt vào đúng ngày kỷ niệm 77 năm Ngày sinh nhật Bác, Đoàn đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay A3J ngay trên đường phố Lê Trực (Hà Nội), hai giặc lái Mỹ, trong đó có Thiếu tá John Mc.Cain - con trai đô đốc hải quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam (sau này là Thượng nghị sĩ, đảng Cộng hòa, có thời gian làm Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam), bị quân dân Hà Nội bắt sống
Lời căn dặn của Bác đã nhắc nhở chúng tôi trong suốt những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc. Riêng đối với tôi, được gặp Bác lần ấy là kỷ niệm không thể phai mờ. Những lời dạy của Bác in mãi trong tâm trí tôi, theo tôi trong mỗi hành động suốt những năm tháng chiến đấu, công tác sau đó.
Đại tá Nguyễn Quang Tâm kể, Hùng Tấn ghi