Loại bớt cửa ải trong việc nộp thuế (13/12/2009)
Hiện ngành thuế có 330 thủ tục hành chính. Trong đó, có 5 thủ tục cấp tổng cục, 172 thủ tục cấp cục thuế và 153 thủ tục cấp chi cục. Những thủ tục này được niêm yết công khai cho dân biết và thực hiện, còn cán bộ thuế không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp bất kỳ giấy tờ, thủ tục nào khác ngoài danh mục này.
Để chuẩn bị cải cách thủ tục hành chính thuế trong năm 2010, Hội thảo “Đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế” được tổ chức ngày 13/11. Tại đây, Cục Thuế TPHCM đã lắng nghe và cùng doanh nghiệp bàn các giải pháp cải tiến thủ tục hành chính ngành thuế.
Có khá nhiều than phiền từ người dân nộp thuế: Chỉ riêng tờ giấy cam kết tài sản duy nhất (để được miễn thuế thu nhập cá nhân khi sang nhượng đất) đã quá phiền phức, người dân tự cam kết, tự chịu trách nhiệm, thế nhưng cán bộ tiếp nhận hồ sơ lại yêu cầu phải về phường chứng thực chữ ký trong tờ cam kết, trong khi họ có thể ký ngay trước mặt để cán bộ thuế kiểm tra hoặc có thể đối chiếu các chữ ký khác có trong hồ sơ.
Tại hội nghị, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ – phụ trách cải cách hành chính của TP, cho rằng: “Ngay cả tôi, khi khai thuế nhà đất cũng không khai nổi vì biểu mẫu có quá nhiều chi tiết phức tạp”. Bởi trong từng biểu mẫu có nhiều từ chuyên môn khó hiểu, đã vậy tờ khai lại chi chít chi tiết. Vì thế, nếu chỉ lo “bỏ bớt” các biểu mẫu mà không đơn giản hóa nội dung từng thủ tục cũng không đem lại thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, thủ tục thuế vẫn là vấn đề bức xúc lớn. Bà Lê Thị Minh Chi, Giám đốc Tài chính Công ty Robot phản ánh, việc kê khai sổ sách chứng từ hiện có bị trùng lắp, gây mất thời gian và khó khăn cho DN. Rồi ngành thuế chưa có hướng dẫn thời hạn lưu chứng từ (loại nào lưu 5 năm, loại nào lưu 10 năm…) dẫn đến tình trạng DN phải lưu kho chất đống chứng từ.
Ông Đinh Nam Dinh- Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM chứng minh, để được hoàn thuế sau một năm, Cty ông phải nộp khoảng 20 kg giấy tờ như giấy tờ đăng ký xe, giấy phép hoạt động xe, giấy phép kinh doanh… trong khi mỗi tháng DN đã nộp tất cả các loại giấy tờ này để nộp thuế. Ông Dinh hiến kế, cần gói gọn vấn đề này vào 4 nội dung là: Thủ tục đăng ký – khai thuế – nộp thuế- quyết toán thuế. Việc yêu cầu DN nộp trùng lặp giấy tờ là do ngành quản lý yếu về xử lý và lưu giữ tài liệu thiếu liên kết với nhau.
Liên quan đến hồ sơ thuế, nhiều doanh nghiệp và người dân ngán ngại. Nếu đến cơ quan thuế vào thời điểm cuối kỳ báo cáo thuế sẽ thấy cảnh xếp hàng rồng rắn chờ nộp báo cáo. Muốn nộp thuế cũng không phải dễ, người dân, doanh nghiệp lại bấm số, đợi hết cửa này đến cửa khác.Vì vậy, nhiều DN còn cho rằng ngành thuế lập hồ sơ từng DN vào máy tính, thiếu cái gì thì yêu cầu DN bổ sung và không nên yêu cầu DN nộp lại các hồ sơ đó nữa.
Tại Hà Nội, hợp nhất mã số thuế và mã số đăng ký kinh doanh để cắt giảm thủ tục là đề xuất của ông Trương Quang Khánh, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư KHL. Ông Khánh cũng đề xuất cơ quan chức năng bỏ thủ tục kiểm tra trụ sở công ty khi bán hóa đơn cho DN. Bởi ở Hà Nội, trung bình mỗi ngày có 500-600 DN đăng ký mua hóa đơn. Với số lượng lớn như vậy, chi cục thuế có đủ cán bộ để kiểm tra trụ sở tất cả DN đăng ký mua?
Trong khi đó, khi đăng ký kinh doanh, DN đã phải nộp hợp đồng thuê trụ sở hoặc hộ khẩu cá nhân đăng ký kinh doanh để bảo đảm tính xác thực về trụ sở DN. Ông bày tỏ mong muốn quy trình đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế qua mạng internet sớm được ứng dụng. Quy trình này không chỉ thuận tiện cho DN, mà còn hạn chế tối đa tệ phiền hà, sách nhiễu do sự tiếp xúc giữa cán bộ hành chính và DN…
LS Mai Trần - Văn phòng LS Trần Mai cho rằng, ngành thuế phải ban hành một Bộ quy tắc ứng xử làm chuẩn mực để DN- người nộp thuế và cán bộ thuế bình đẳng. Cần ban hành từ điển giải thích từ ngữ ngành thuế, niêm yết và công khai tất cả các quy định chi tiết của ngành thuế cho từng loại hồ sơ.
Bà Huỳnh Thị Lan Anh, Ban Cải cách hành chính Tổng cục Thuế, cho biết, kế hoạch cải cách hành chính của ngành thuế trong thời gian tới là liên thông giữa các ngành trong lĩnh vực thuế.
Cụ thể, liên thông với kho bạc trong việc nộp thuế, liên thông với bảo hiểm xã hội để thống nhất một địa chỉ để thuận tiện cho doanh nghiệp. Để đơn giản hồ sơ hoàn thuế, ngành thuế sẽ tiến tới rút ngắn bằng cách chỉ cần tiếp nhận đơn hoàn thuế là dựa vào dữ liệu kê khai thuế sẵn có để giải quyết.
Sắp tới đây, hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân sẽ rất đông, vì thế, ngành thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu để tiếp nhận thông tin khai thuế qua mạng, tránh ách tắc cho người dân. Và, quan trọng hơn hết là ngành thuế sẽ xây dựng quy chế chống phiền hà, nhũng nhiễu trong đội ngũ cán bộ thuế và xây dựng kênh thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp để kịp thời xử lý cán bộ khi có hành vi nhũng nhiễu.
Trong năm 2009, toàn ngành thuế đã rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung 243 thủ tục hành chính, thay thế 4 thủ tục hành chính, bãi bỏ 11 thủ tục hành chính. Đơn vị cũng đã triển khai thí điểm dự án nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu và Đà Nẵng.
Tổng cục Thuế đã ký kết thỏa thuận phối hợp thu thuế qua 3 hệ thống ngân hàng thương mại là Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Để cắt giảm thời gian kê khai, nộp thuế cho DN, dự kiến đầu năm 2010, ngành thuế sẽ áp dụng quy định cho phép DN tự in, sử dụng và quản lý hóa đơn. Quy định này sẽ giảm đáng kể thời gian thực hiện báo cáo, quyết toán và mua hóa đơn sử dụng tại DN hằng tháng.
Để đạt được mục tiêu cải cách, đơn giản hóa 40% thủ tục hành chính thuế, đơn vị sẽ tiến hành rà soát lại những thủ tục hành chính thuế còn gây nhiều phiền hà cho người nộp thuế. Bên cạnh đó, Cục, chi cục thuế sẽ hoàn thiện hệ thống quy trình quản lý thuế, hoàn thiện các quy trình kiểm tra, thanh tra thu nợ theo nguyên tắc phân loại người nộp thuế theo mức độ rủi ro.
Theo VGP
A. Hoàng