Trong 8 mục tiêu thiên niên kỷ Việt Nam cần phải hoàn thành khi bước vào năm 2015 thì mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói đến nay đã được hoàn thành trước thời hạn. Cụ thể, tỷ lệ người nghèo đã giảm từ 58,1% vào năm 1993 xuống còn 10,7% vào năm 2010. Tính theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ nghèo đã giảm đáng kể từ 14,2% vào năm 2010 xuống còn 9,6% vào năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 ước tính khoảng 8,2%, giảm 1,6% so với năm 2013. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Những thành tựu của Việt Nam trong những năm qua được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nó càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu những năm qua phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với xóa đói giảm nghèo, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng nhanh chóng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Vào năm 2012 GDP bình quân đầu người đạt 1.596 USD, tăng 4 lần so với năm 2000. Từ một nước nghèo, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp.
Nhìn tổng thể có thể thấy rằng, nguyên nhân cơ bản tạo ra thành tựu giảm nghèo đói của Việt Nam trong những năm qua là nhờ đổi mới cơ chế, chính sách, xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp. Đường lối đổi mới đã mở ra những cơ hội thuận lợi cho các tổ chức, cộng đồng, cá nhân trong đó có người nghèo, cộng đồng nghèo được tham gia trực tiếp vào quá trình tăng trưởng kinh tế chung và cùng hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong điều kiện Nhà nước phải thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa đầu tư phát triển KTXH, vừa phải bố trí nguồn lực tài chính hợp lý cho các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo thì việc loại bỏ những chính sách chồng chéo, kém hiệu quả là điều tất yếu không thể thiếu để đem lại hiệu quả. Làm thế nào để từng đồng tiền chi cho chương trình giảm nghèo đến được với người dân được hiệu quả hơn nữa, vừa bảo đảm nguồn vốn sử dụng đúng mục đích đang là bài toán đặt ra. Nhiều chuyên gia đã đề xuất với các cơ quan chức năng những giải pháp thích hợp: Nên tích hợp một số chính sách hiện đang trợ cấp bằng tiền mặt thành gói trợ cấp có điều kiện để giảm đầu mối cơ quan quản lý, chi trả và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng khi nhận trợ cấp. Đặc biệt, việc nghiên cứu ban hành chính sách mới và sửa đổi, bổ sung chính sách cần điều tra kỹ để xác định rõ đối tượng được thụ hưởng. Đây là bước đi tích cực, các cơ quan hữu quan cần phải tổng kết, chỉ ra những quy định dàn trải, chồng chéo, không còn hiệu quả và sớm triển khai cụ thể để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chính sách, mang lại kết quả thiết thực.
Có thể thấy tất cả chính sách tốt đẹp khi đưa vào thực hiện trong cuộc sống đều liên quan đến khả năng huy động nguồn lực, nguồn vốn có thể đáp ứng được. Vì vậy cần có sự thống nhất giữa chính sách và nguồn lực, nguồn vốn ngay trong quá trình ban hành và bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện. Như vậy chính sách xóa đói giảm nghèo mới được thực hiện kịp thời, không chồng chéo, lãng phí và kém hiệu quả.
Bài và ảnh:
Mai Anh