Lò lửa Triều Tiên hạ nhiệt
Ông Kim Jong Un đã củng cố được vị thế trong năm 2017.
Đối thoại tốt hơn đối đầu. Nhưng, đối thoại liên chính phủ giữa hai miền Triều Tiên đã tạm dừng từ tháng 12-2015.
Theo như thông báo, cuộc đối thoại sẽ bàn về khả năng CHDCND Triều Tiên cử vận động viên tham gia Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang 2018 vào tháng 2 tới, tại Hàn Quốc.
Việc CHDCND Triều Tiên cử đoàn tham gia Olympic dù ở bất kỳ đâu cũng là thông tin được nhiều người quan tâm, nhất là tại Hàn Quốc. Mong muốn đoàn của Bình Nhưỡng tham gia Olympic lần này đã được các quan chức Hàn Quốc nhắc đi nhắc lại nhiều lần để thể hiện thiện chí. Trước khi CHDCND Triều Tiên ngỏ ý muốn tham gia, người đứng đầu Ủy ban tổ chức Olympic mùa Đông Pyeong Chang 2018 Lee Hee-Beom đã khẳng định nước chủ nhà Hàn Quốc sẵn sàng tiếp đón nếu Triều Tiên quyết định tham gia. Ông cho biết Hàn Quốc vẫn luôn chuẩn bị cho việc Triều Tiên tham dự và phía Hàn Quốc sẽ cung cấp tàu để đưa đón các vận động viên cũng như chuẩn bị nơi ăn ở cho đoàn Triều Tiên, thậm chí cả trong trường hợp Bình Nhưỡng cử thêm lực lượng cổ vũ và hậu cần.
Thể thao luôn là một khởi đầu tốt mở đường cho các giải pháp chính trị trong quan hệ quốc tế. Giới chính trị Hàn Quốc cũng nhanh chóng có những động thái ủng hộ tuyên bố trên của Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in ngay lập tức hoan nghênh tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời nêu rõ Seoul sẵn sàng đối thoại "bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào". Nhiều đảng chính trị tại Hàn Quốc cũng đồng loạt hoan nghênh quyết định của Bình Nhưỡng và bày tỏ hy vọng động thái này sẽ giúp "tan băng" mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nhấn mạnh việc cải thiện quan hệ liên Triều cần gắn liền với nỗ lực giải quyết vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Điểm mấu chốt này luôn được nêu ra nhưng ai cũng biết đây không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều sau bao thất bại của cuộc đàm phán với sự tham gia của các nước lớn trong nhiều năm.
Bên cạnh các tuyên bố mang tính tích cực của lãnh đạo hai miền Triều Tiên, các tín hiệu kỹ thuật cũng cho thấy cuộc đối thoại sắp tới sẽ được tổ chức. Ngày 3-1, hai bên đã chính thức nối lại đường dây liên lạc liên Triều, kênh liên lạc vốn bị ngừng hoạt động từ năm 2016, để có thể tiến hành các cuộc đàm phán, bắt đầu từ ngày 9-1-2018.
Nội dung cuộc đối thoại sẽ tập trung vào vấn đề gì? Vấn đề Bình Nhưỡng cử đoàn tham dự Olympic chắc chắn sẽ được đề cập, nhưng hai bên sẽ nhanh chóng thống nhất bởi khó khăn chỉ ở vấn đề kỹ thuật, mà điều này thì Hàn Quốc sẵn sàng đáp ứng như đã nói ở trên. Nội dung thứ hai có thể sẽ được nhắc tới là việc đoàn tụ các gia đình ly tán bởi chiến tranh. Đây là vấn đề lâu dài và thực chất nếu có đối thoại cũng rất ngắn gọn vì hai bên sẽ có các nhóm làm việc để xem xét từng trường hợp một khi giới lãnh đạo hai nước đã bật đèn xanh.
Nội dung thứ ba mà phía Hàn Quốc có thể sẽ nêu ra tại cuộc đối thoại này chính là việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà trực tiếp nêu quan ngại của Hàn Quốc về các vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên trong thời gian qua làm tăng căng thẳng quan hệ hai miền.
Như đã đề cập, không thể có ngay giải pháp lâu dài khiến Bình Nhưỡng ngừng phát triển chương trình tên lửa hay hạt nhân, nhưng nếu Bình Nhưỡng đưa ra các đề xuất nào đó hay tạm dừng thử tên lửa thì cũng đã là một cơ hội tốt cho đàm phán tìm các giải pháp thông qua thương lượng. Như vậy, cuộc đối thoại là cơ hội tốt cho cả hai bên, giúp giảm căng thẳng trong khu vực.
Nỗi đau ly tán hai miền Triều Tiên khiến người dân và lãnh đạo luôn day dứt. Việc cả hai bên mong muốn hòa bình rồi một ngày nào đó thống nhất được hai miền “về một nhà” rõ ràng là một nguyện vọng chính đáng cho dù bất cứ chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ. Thế nhưng nguyện vọng có được hòa bình, thống nhất thông qua đàm phán hay không lại là chuyện khác.
Nói vậy bởi vẫn có các quốc gia vẫn đổ thêm dầu vào lửa bằng cách kích động sử dụng vũ lực. Số là khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên ngỏ ý cử đoàn tham dự Olympic mùa Đông Pyeong Chang 2018, ông nói kèm theo là “nút bấm hạt nhân luôn ở trên bàn”. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức nhắn trên Twitter là ông có “nút bấm hạt nhân to hơn”!
Dùng vũ lực để giải quyết một vấn đề quân sự vốn đã không thể giải quyết bằng vũ lực trong bao năm qua chắc chắn sẽ là toan tính tồi. Ngay cả các nhà quân sự cũng luôn mong muốn tìm được giải pháp ngoại giao để giải quyết các xung đột.
Tổng thống Mỹ cũng chỉ “khẩu chiến” thôi. Tình hình thực tế chi phối và chính bản thân Mỹ cũng chẳng mong gì một cuộc đụng độ quân sự ở bán đảo Triều Tiên. Cấp dưới của ông Trump sau đó đã có những tuyên bố và bước đi nhằm xoa dịu tình hình. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, ngày 4-1, cho biết Mỹ quyết định hoãn các cuộc tập trận "Đại bàng non" với Hàn Quốc cho tới sau Olympic mùa Đông 2018 cho người khuyết tật kết thúc vào ngày 18-3 tới. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ và Hàn Quốc cũng tái khẳng định sẽ cùng tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một cách hòa bình.
Dư luận thở phào bởi lò lửa Triều Tiên đã hạ nhiệt, nhưng hạ nhiệt được bao lâu và bao giờ hạ nhiệt được tới mức bình thường còn trông chờ rất lớn vào nỗ lực của chính hai miền Triều Tiên và lãnh đạo các quốc gia có liên quan.
Trong nỗ lực này, nếu các nước liên quan có thiện chí giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại thay vì “đổ thêm dầu vào lửa” thì hòa bình trong khu có lý gì mà không thành hiện thực?
Ngọc Hưng