Lò lửa sẽ nguội
Binh sĩ thuộc Sư đoàn dù số 82 của Mỹ được triển khai tới Ba Lan ngày 8-2.
Nhiều kịch bản về việc Nga tấn công Ukraine đã được đồn thổi và tô vẽ khiến những ai thiếu thông tin, thiếu cái nhìn dài hạn về tình hình chính trị, ngoại giao thế giới tin rằng một cuộc chiến do Nga phát động sẽ sớm xảy ra. Thế nhưng, bình tĩnh quan sát sẽ thấy căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine đã lên đến đỉnh điểm và lò lửa chiến tranh sẽ sớm nguội dần để đưa mọi quan hệ trở lại quỹ đạo bình ổn.
Trong suốt tuần qua, hàng chục quốc gia phương Tây đã đóng cửa sứ quán, hạn chế sự hiện diện ngoại giao hoặc khuyến cáo công dân không tới Ukraine do lo ngại một chiến dịch quân sự do Nga phát động nhằm vào Ukraine sẽ nổ ra trong tuần này. Hành động trên như đổ thêm dầu vào lửa bởi suốt hai tháng qua Nga đã duy trì gần 100.000 quân cùng các phương tiện quân sự áp sát biên giới Ukraine. Đã thế, Nga và Belarus vẫn tổ chức một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ Nga trên đất Belarus, tiếp giáp Ukraine.
Trước hết, phải thấy rằng lo ngại của Ukraine về việc Nga có thể tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vào nước này là có cơ sở bởi Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014 trong một chiến dịch quân sự chớp nhoáng. Đã thế, tình hình ở miền Đông Ukraine luôn bất ổn, nguy cơ ly khai của hai nước cộng hòa tự trị ở khu vực này là hiển hiện. Do vậy, với việc triển khai quân đội của Nga giáp biên giới Ukraine, Kiev như ngồi trên chảo lửa.
Thế nhưng, chiến tranh là điều không dễ xảy ra, nhất là với một cường quốc hạt nhân như Nga. Xem xét những điều kiện về bảo đảm an ninh mà Nga đưa ra với Mỹ và phương Tây về việc không kết nạp Ukraine vào NATO mới thấy đây là gốc rễ của vấn đề. Nếu Ukraine là một thành viên NATO thì trừ Belarus, sườn phía Tây của Nga sẽ bị NATO uy hiếp, an ninh khó được bảo đảm. Tuy vậy, Mỹ và NATO vẫn “làm tới” khi không chấp nhận đề nghị của Nga, đồng thời vẫn bỏ ngỏ câu trả lời có kết nạp Ukraine vào NATO hay không. Sự lấp lửng của Mỹ và NATO cùng sự viện trợ quân sự của các quốc gia này cho Ukraine trong thời gian qua như một phép thử bản lĩnh của Nga. Theo đó, nếu Nga rút quân hoặc đơn phương nhượng bộ, Mỹ và NATO sẽ lấn tới bằng việc tăng cường tiềm lực quốc phòng cho NATO trong khi vẫn để ngỏ khả năng kết nạp Ukraine vào NATO như “củ cà rốt” với quốc gia này. Ngược lại, nếu Moscow mất bình tĩnh, phát động một cuộc tấn công, dù ở quy mô nào vào Ukraine, Mỹ và phương Tây chắc chắn sẽ không thực hiện bất kỳ một hành động phiêu lưu quân sự nào để bảo vệ Ukraine mà quay sang xiết chặt các biện pháp cấm vận nhằm làm Nga suy yếu bởi thực tế Nga chưa có lý do chính đáng để phát động một cuộc chiến tranh nhằm vào Ukraine. Thậm chí, Điện Kremlin đã nhiều lần tái khẳng định không có ý định tấn công quân sự Ukraine.
Nguy cơ chiến tranh ở Ukraine không những sẽ không xảy ra mà chắc chắn sẽ được hạ nhiệt chính bởi những cuộc tiếp xúc ngoại giao liên tục diễn ra với tần suất cao. Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ - Joe Biden ngày 13-2 đã có cuộc điện đàm kéo dài 50 phút với Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky về tình hình căng thẳng ở khu vực miền Đông Ukraine. Theo đó, hai bên đã nhất trí tầm quan trọng của việc tiếp tục theo đuổi "biện pháp ngoại giao và răn đe" trong vấn đề này. Ông Biden, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức cũng đều có các cuộc điện đàm, gặp gỡ với Tổng thống Nga - Vladimir Putin để tìm giải pháp hạ nhiệt.
Chiến tranh là điều không ai mong muốn. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine, mà thực chất là căng thẳng giữa Nga với Mỹ và NATO sẽ không biến thành chiến tranh nếu các bên biết nhượng bộ và biết cách làm nguội lò lửa này.
Thanh Huyền