Theo ông Đặng Hoa Nam-Cục trưởng Cục chăm sóc, bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTBXH), mỗi ngày trên cả nước trung bình có 9 trẻ em và người vị thành niên tử vong do đuối nước, mỗi năm có hơn 3.200 trẻ em bị đuối nước. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu trong số các tai nạn thương tích gây tử vong cho trẻ em và tình trạng này đang tăng vọt vì trẻ em được nghỉ hè, trở về với gia đình, cộng đồng; thời tiết lại nóng bức, nhu cầu ngâm mình dưới nước mát tăng cao. Theo thống kê qua nhiều năm cho thấy, tại các vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long là những khu vực có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao khi mà tỷ lệ trẻ biết bơi ở khu vực Đồng bằng sông Hồng là 10%, ở ĐBSCL là 35%… Đuối nước trẻ em nhiều khi không xảy ra tại các sông, ao hồ mà xảy ra tại những nơi ít ngờ nhất như tại các hố nước chưa san lấp tại các công trình xây dựng, cống rãnh bị mất nắp đậy trên đường các em đến trường hoặc nơi vui chơi giải trí mà khi sự việc đau lòng xảy ra, người lớn biết thì đã quá muộn.
Nguyên nhân xảy ra đuối nước ở trẻ em có nhiều, đầu tiên là chuyện trẻ không biết bơi do không được nhà trường, gia đình huấn luyện; thứ hai là chuyện không có kỹ năng cấp cứu khi người bị đuối nước trong rất nhiều người (không chỉ là trẻ em). Trước thực trạng trẻ em bị đuối nước, Đề án thí điểm dạy bơi cho học sinh tiểu học được Bộ GDĐT triển khai từ năm 2010 với mục tiêu hướng đến tổ chức dạy bơi đại trà cho học sinh tiểu học. Thời gian tổ chức dạy bơi là vào dịp hè và các ngày nghỉ, hoặc lồng ghép vào chương trình giáo dục thể chất. Nói thì hay, ai cũng mừng, thế nhưng, đã qua 5 năm, Đề án chống đuối nước này lại bị “đuối nước” ngay trên cạn, mọi chuyện vẫn nằm trên giấy, chưa một giải pháp nào được triển khai bài bản, chưa một cơ chế hỗ trợ hay định hướng tổng thể nào từ Bộ chủ quản về vấn đề này. Qua 5 năm mà chỉ có vài ba địa phương, chủ yếu là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có sẵn một số bể bơi của Ngành Thể dục thể thao và không nhiều bể bơi được xây dựng bằng cách xã hội hóa tổ chức dạy bơi cho các em nhưng là hình thức kinh doanh thu tiền. Nguyên nhân là do Bộ thiếu kinh phí, không có cơ sở vật chất và không có người thực hiện; mọi việc lại phó mặc cho xã hội. Địa phương không “bơi” được, trường học không “bơi” được, trẻ em lại phải “lên bờ”, tiếp tục ra tắm biển, tắm sông, tắm suối, ao hồ…
Quan tâm phòng chống đuối nước trẻ em, thời gian qua, chúng ta đã có nhiều hoạt động thiết thực như việc nhiều nơi tổ chức tặng áo phao, cặp sách phao cho trẻ em, xây dựng nhiều cầu vượt sông suối ở miền núi và khu vực ĐBSCL để trẻ em đến trường; xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn để giảm tai nạn thương tích cho trẻ em. Để giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em, vấn đề quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, giải thích để các em không tự do ra tắm tại bờ biển, khu vực sông suối, ao hồ; hướng dẫn các em cách cấp cứu tai nạn đuối nước và đặc biệt nhất là phải tạo điều kiện và hướng dẫn các em học bơi thành thạo. Việc ấy là việc của cả cộng đồng, của mỗi gia đình, mỗi người, đặc biệt là các CCB để quan tâm thiết thực đến trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em, phòng chống những tai nạn thương tâm trong mùa hè này.
Thanh Huyền