LLVT QUÂN KHU 7: "Thần tốc-Quyết thắng” trong thời bình
PV: Xin đồng chí cho biết, những hoạt động chính của LLVT Quân khu 7 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Quân khu 7 hiện nay bao gồm miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến thời điểm Hiệp định Pa-ri được ký kết, lực lượng vũ trang trên địa bàn có bước phát triển nhảy vọt. Không kể lực lượng chủ lực của Miền đứng chân trên địa bàn, LLVT Quân khu 6 và Quân khu 7 có 4 trung đoàn, 11 tiểu đoàn, 33 đại đội, 12 trung đội và 2 tiểu đội bộ binh; 2 tiểu đoàn, 6 đại đội, 3 trung đội và 1 tiểu đội trợ chiến; 5 tiểu đoàn, 9 đại đội, 31 trung đội và 4 tiểu đội đặc công; 2 đại đội, 5 trung đội và 2 tiểu đội công binh. Quân khu Sài Gòn-Gia Định có Trung đoàn 10 Rừng Sác, Trung đoàn 16, Tiểu đoàn Quyết thắng, Đại đội Đồng khởi, các đại đội bộ đội địa phương và tiểu đội du kích xã.
Từ tháng 12-1974 đến cuối tháng 2-1975, LLVT miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ cùng quân và dân toàn B2 tiêu diệt 22 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 25 tiểu đoàn ngụy, tiêu diệt 56.315 tên địch; phá huỷ 1.548 đồn bốt, 108 máy bay, 110 tàu, 494 xe các loại; thu 12.122 súng, 786 máy vô tuyến điện, 118 xe và 2 máy bay; giải phóng hoàn toàn 1 tỉnh, 4 huyện, 72 xã, 489 ấp, giải phóng về cơ bản 52 xã khác với tổng số 584.800 dân. Lần đầu tiên, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ chưa từng có, làm lỏng làm rã bộ máy kềm kẹp của địch. Phần đông binh lính ngụy co lại trong các đồn bốt.
Trước tình hình diễn biến hết sức mau lẹ, T.Ư Cục miền Nam đề ra nhiệm vụ khẩn cấp: “Động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng, vùng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sụp toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân với khí thế tấn công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng, giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam”.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định, các LLVT miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ thực hiện các chiến dịch tiêu diệt địch ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng thủ từ xa, phá thế co cụm và phòng ngự của địch, hình thành thế bao vây chia cắt Sài Gòn, đồng thời hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho lực lượng chủ lực của Miền và của Bộ Tổng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Cùng với các quân đoàn chủ lực, nhân dân Sài Gòn-Gia Định, trên các hướng, LLVT miền Đông Nam Bộ đồng loạt tiến công các mục tiêu được qui định. Sư đoàn 6 (trong đội hình Quân đoàn 4) đánh chiếm các mục tiêu trên trục quốc lộ 1, thị xã Biên Hoà. Sư đoàn 5 (trong đội hình Đoàn 232) tiến công xuống Tân An, Thủ Thừa, chặn cắt đường số 4. Hai trung đoàn Gia Định phối hợp đánh chiếm các mục tiêu Tân Sơn Nhất, Bà Quẹo, Quán Tre, xa lộ Sài Gòn và cửa sông Nhà Bè. Các đơn vị đặc công biệt động chiếm lĩnh các đầu cầu, trục đường giao thông chính, giữ và dẫn đường cho các binh đoàn tiến vào nội đô Sài Gòn. LLVT các tỉnh hỗ trợ nhân dân nổi dậy, tiêu diệt lực lượng chống cự, thành lập và bảo vệ chính quyền cách mạng. Đến ngày 1-5-1975, Côn Đảo-địa phương cuối cùng của miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ được hoàn toàn giải phóng.
PV: Những thành tích xuất sắc của LLVT Quân khu 7 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, thưa đồng chí.
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, phát huy truyền thống “Thần tốc-Quyết thắng” LLVT Quân khu 7 lại tiếp tục bước vào cuộc đấu tranh mới: khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia xây dựng lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất theo định hướng XHCN, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, xây dựng tiềm lực quốc phòng và thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, các LLVT Quân khu tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết của BCH T.Ư Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng về quân sự, quốc phòng trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình vùng trời, vùng biển đảo, biên giới, nội địa, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm. Đề xuất kịp thời những chủ trương, giải pháp, xử lý tốt các tình huống diễn ra, không để bị động bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Cán bộ, chiến sĩ Quân khu tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đuờng lối, chủ trương của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước, góp sức xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường “thế trận lòng dân”; chủ động giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo”. Tập trung xây dựng các khu dân cư, gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Đặc biệt, khi thiên tai, hỏa hoạn, LLVT Quân khu đã bất chấp hiểm nguy để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, làm cho hình ảnh và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng trong lòng nhân dân.
70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT Quân khu 7 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Quân công hạng nhất. Hơn 700 lượt đơn vị và hơn 300 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng LLVTND”; hơn 6.000 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Mẹ VNAH”; nhiều đơn vị trong Quân khu cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương, Huy chương và những phần thưởng cao quý của Nhà nước ta và nước bạn.
PV: LLVT Quân khu 7 có những hoạt động lớn nào, thiết thực kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Thứ nhất, Quân khu 7 nhận thức sâu sắc rằng: Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, nhằm khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng 30-4-1975 trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta và phong trào cách mạng trên thế giới; làm sâu sắc thêm bài học về ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc ta.
Thời gian qua, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung trước hết vào quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trên địa bàn triển khai các công tác chuẩn bị mọi mặt, để các hoạt động diễn ra đúng kế hoạch.
Hai là, chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với Tuyên giáo các Tỉnh, Thành ủy, Hội CCB các địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa dân tộc, thời đại và những bài học kinh nghiệm của Đại thắng Mùa Xuân 1975 bằng những hình thức, biện pháp phong phú, thiết thực. Ba là, thực hiện tốt nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng giao: tổ chức bảo đảm, huấn luyện duyệt binh, diễu hành tại Lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phối hợp với các lực lượng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xây dựng, triển khai kế hoạch SSCĐ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trên địa bàn cả trước, trong và sau Lễ kỷ niệm. Bốn là, toàn Quân khu đã phát động đợt thi đua cao điểm với chủ đề “Thần tốc-Quyết thắng” tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng tổ chức Đảng TSVM, đơn vị VMTD và tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Năm là, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn Văn công, Nhà Văn hóa Quân khu, Đội Tuyên truyền xung kích các đơn vị với Đoàn Ca múa nhạc, Đoàn Cải lương các tỉnh, thành phố, Trung tâm Văn hóa các huyện, quận, thị xã. Tổ chức sửa chữa, nâng cấp Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, xây dựng Khu di tích Quân khu miền Đông... Sáu là, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức tốt các hoạt động thăm, tặng quà đối tượng chính sách; tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; tham gia xây dựng, trùng tu, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ; đồng thời, làm tốt công tác dân vận gắn với thực hiện phong trào thi đua “LLVT Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “LLVT Quân khu chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết quân dân, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Bảy là, chủ động phối hợp làm tốt công tác chuẩn bị cho các Hội thảo khoa học cấp Nhà nước chủ đề: “Đại thắng mùa Xuân 1975-Sức mạnh của khát vọng hòa bình và ý chí thống nhất Tổ quốc”; Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về tăng cường quốc phòng-an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phía Nam trong tình hình mới” và Hội thảo khoa học “Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam tại Tà Thiết (1972-1975)”. Quân khu còn chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động mít tinh, họp mặt gắn với kỷ niệm ngày truyền thống của các đơn vị, địa phương; đồng thời, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các CCB thăm lại chiến trường xưa, được tận mắt chứng kiến, cảm nhận sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của các tỉnh, thành phố cũng như LLVT Quân khu 7.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Tô Kiều Thẩm (thực hiện)