Lính Trường Sơn khai mở đường Hồ Chí Minh trên biển
(Tiếp theo số trước)
… Vào khoảng tháng 10-1959, theo chỉ đạo của Bộ Tổng Tư lệnh, chúng tôi cho Tiểu đoàn 603 bí mật đưa một số máy vô tuyến điện vào đặt ở khu vực chân đèo Hải Vân, sát mép biển để bắt liên lạc với Liên khu 5 chuẩn bị lực lượng và bến bãi để đón hàng vào. Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức cho đồng chí Nguyễn Nữ cùng một số anh em đi thử (đi thuyền không vào Đà Nẵng, sau đó bỏ thuyền tìm đường lên núi và theo tuyến giao liên Trường Sơn trở ra Thanh Khê).
Cũng do quan hệ hiệp đồng trước với lãnh đạo Khu 5, nên chúng tôi được bổ sung một số đồng chí từ Quảng Nam, Quảng Ngãi ra; trong số đó có anh Huỳnh Ba, người Hòa Vang, Quảng Nam (tên thẻ căn cước là Nguyễn Nửa). Anh Nửa là một trong số anh em được tôi chọn đi chuyến đầu tiên.
Mọi công việc chuẩn bị hoàn tất, sau khi xin ý kiến của Bộ Tổng Tư lệnh, chúng tôi quyết định xuất quân. Thời điểm được chọn cho thuyền rời bến là đêm ba mươi Tết Canh Tý (1960). Đây là thời điểm tạo được yếu tố bất ngờ.
Đúng đêm 30 Tết (đêm 27-1-1960) trong khi dân quanh vùng đang rộn ràng không khí đón Giao thừa, thì tại cảng cá Thanh Khê, những người lính của Tiểu đoàn 603 - “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” khởi đầu một chuyến vượt biển đặc biệt. Trước khi thuyền rời bến, qua máy vô tuyến điện bí mật đặt ở chân đèo Hải Vân, chúng tôi điện báo cho lực lượng của Khu 5 sẽ đón hàng tại khu vực Hố Chuối (cũng ở dưới chân dèo Hải Vân).
Sáu cán bộ, chiến sĩ được chọn đưa chuyến hàng đầu tiên vào Nam là các anh Nguyễn Bất - Thuyền trưởng, Trần Mức - Thuyền phó; Nguyễn Sanh, Huỳnh Sơn, Nguyễn Nữ, Huỳnh Ba (Nguyễn Nửa). Chỉ mỗi anh Trần Mức người Quảng Nam, mấy anh còn lai đều là người Quảng Ngãi. Nhiệm vụ của các anh là chuyển 5 tấn vũ khí, đạn, thuốc quân y vào giao cho Khu 5.
Cửa biển đêm cuối năm đen đặc. Gió bấc thổi từng cơn rét ngọt. Tiếng sóng biển rì rầm. Không đèn đóm. Những vòng tay ấm nóng không muốn rời nhau. Không nói ra, nhưng trong thâm tâm mọi người đều nghĩ đến sự trở về của con thuyền này rất mong manh!
Vào đúng thời khắc các xóm chài đì đùng tiếng pháo đón giao thừa, thuyền kéo neo rời bến. Cũng từ lúc đó, tất cả Ban Cán sự Đoàn 559, cán bộ và chiến sĩ Tiểu đoàn 603 sống trong hy vọng bồn chồn. Nhưng rồi ngày qua ngày, tất cả đều rơi vào im lặng. Mấy ngày sau đó, tổ điện đài từ chân đèo Hải Vân báo về không thấy thuyền vào. Mãi sau này, khi gặp lại đồng chí Nguyễn Bất - người Thuyền trưởng ưu tú, chiến sĩ cộng sản kiên trung, thoát khỏi nhà tù của Mỹ - ngụy, trở về kể lại, chúng tôi mới biết tường tận số phận của con thuyền và chuyến đi đó của các anh.
Sau khi rời cảng Thanh Khê, các thủy thủ cho thuyền chạy ra vùng biển quốc tế, để từ đó đi dần về phía Nam và hướng vào chân đèo Hải Vân. Nhưng ngày hôm sau, gió đông bắc nổi lên mỗi lúc một to. Sóng biển dềnh lên như muốn nuốt chửng con thuyền. Sáu anh em gồng mình chống chọi vơi sóng lớn, cố giữ cho thuyền khỏi lật. Nhưng sức người không lại với sức gió. Thuyền cứ dạt dần, dạt dần về Nam. Đến ngày thứ ba, thuyền bị gãy bánh lái. Các thủy thủ hoàn toàn bất lực. Thuyền trôi dạt vào vùng biển gần đảo Lý Sơn (cù lao Ré) thuộc tỉnh Quảng Ngãi; đảo cách đất liền nơi gần nhất là mũi Ba Làng An, chừng 23km.
Rạng ngày hôm đó, biển lặng gió. Thuyền của dân đổ ra nhiều. Đã loáng thoáng xuất hiện một số tàu tuần tiễu của địch. Thuyền trưởng Nguyễn Bất quyết định phi tang hàng hóa. Sáu anh em ruột đau như cắt, ném nhanh 5 tấn vũ khí, đạn, thuốc quân y xuống biển. Chiều hôm đó, cả sáu người đều bị địch bắt. Anh em thống nhất là khai là thuyền đánh cá gặp gió lớn trôi dạt vào. Mặc dù có giấy tờ “hợp lệ” nhưng cả sáu người bị địch bắt tống giam. Có anh bị giam ở Đà Nẵng, có người bị đưa vào khám Chí Hòa (Sài Gòn), Phú Lợi (Bình Dương); anh Huỳnh Ba bị đày ra Côn Đảo, sau Hiệp định Pari (1-1973) mới được trao trả. Riêng anh Nguyễn Bất bị giam ở Đà Nẵng đã bí mật móc nối được với cơ sở và được tổ chức trốn thoát, tìm đường ra Bắc. Cho mãi đến sau này, chúng tôi cũng mới chỉ biết số phận của 2 trong số 6 thủy thủ dũng cảm trên “con thuyền không số” đầu tiên của Tiểu đoàn 603 chuyển hàng vào Nam trong đêm giao thừa Tết Canh Tý. Bốn người còn lại chắc chắn đã hy sinh bởi lao tù, đòn roi của Mỹ - ngụy!
Sau này, qua anh Nguyễn Chơn, chúng tôi còn được biết đêm Giao thừa năm đó, Khu ủy Khu 5 cũng giao cho Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức nhận hàng. Anh Nguyễn Chơn (sau này là Anh hùng LLVTND, Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) được giao nhiệm vụ đưa một lực lượng đến phục ở Hố Chuối mấy ngày đêm, nhưng không thấy thuyền vào, đành phải quay về.
Sau chuyến chi viện bằng đường biển đầu tiên không thành của Tiểu đoàn 603, cộng với những khó khăn do cùng lúc phải tổ chức, điều hành cả hai tuyến chi viện đường bộ và đường biển, Ban Cán sự Đoàn 559 đề nghị Bộ Tổng Tư lệnh chuyển nhiệm vụ chi viện đường biển sang Cục Hải quân. Đề nghị đó được trên chấp thuận. Tháng 4-1960, Tiểu đoàn 603 giải thể. Một số cán bộ chủ chốt của Tiểu đoàn chuyển về Cục Hải quân. Số còn lại sáp nhập vào Đoàn 301 giao liên vận tải bộ.
Tiểu đoàn vận tải biển 603 - “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” chỉ tồn tại gần 10 tháng. Mặc dù chuyến chi viện đầu tiên bằng đường biển cho miền Nam không thành, nhưng cũng để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý để sau này tổ chức thành công tuyến chi viện đường biển từ Bắc vào Nam - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Duy Tường ghi theo lời kể của Thiếu tướng Võ Bẩm