Nhập ngũ tháng 2-1975, Hoàng Văn Duyệt (ảnh) được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 6, bộ đội Đặc công, rồi chuyển sang Đại đội 2, Vùng 4 Hải quân. Sau khi được đào tạo sĩ quan tại Trường quân chính, Quân đoàn 4, tháng 10-1978, Hoàng Văn Duyệt chỉ huy 30 cán bộ, chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Lớn. Anh kể, khi ấy đảo còn hoang sơ, ngoài bia chủ quyền còn rất ít các công trình khác, cây cối chỉ có loại bàng vuông, Đời sống bộ đội khó khăn lắm, phụ thuộc vào việc tiếp tế của đất liền từ ca nước ngọt, cọng rau, nắm đất... Đơn vị chia làm 3 ca, luân phiên canh gác suốt ngày đêm, để bảo vệ các mục tiêu, không cho kẻ địch thâm nhập cướp biển, cướp đảo. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, anh được vào bờ công tác. Đến 1986, Thượng úy Hoàng Văn Duyệt về nghỉ chế độ thương binh, mất 31% sức khỏe tại thôn Hoành Sơn, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Bau đầu anh được xã cử làm thủ kho than của hợp tác xã, rồi làm công an viên. Năm 1992, chi bộ bầu anh vào chi ủy, kiêm tổ trưởng tổ bảo vệ thôn, rồi Trưởng thôn, ủy viên BCH Đảng bộ, đại biểu HĐND xã. Hiện nay anh là chi ủy viên chi bộ, chi hội trưởng CCB thôn Hoành Sơn. Từ cuối năm 2012, chi hội CCB đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh thôn. Với cương vị chi hội trường, tổ trưởng tổ bảo vệ, anh tổ chức giao ban, cắt cử những phiên tuần tra một cách khoa học. Tình hình ANTT được đảm bảo, nhân dân rất phấn khởi làm ăn.
Vợ chồng CCB Hoàng Văn Duyệt có ba người con, trong đó có hai người đã xây dựng gia đình. Cả nhà làm 3 sào ruộng, thâm canh cá ở 3 sào ao, chăn nuôi lợn và bò, mỗi năm cho thu nhập từ 50-70 triệu đồng... Đời sống kinh tế ổn định, anh có điều kiện tham gia công tác xã hội ngay tại cơ sở.
Hơn 10 năm quân ngũ và hơn 20 năm gắn bó với phong trào địa phương, CCB Hoàng Văn Duyệt được tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, 2 huy chương kháng chiến, 1 danh hiệu chiến sĩ thi đua, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Bài và ảnh:
Thân Văn Phương