Lính cựu và sức sống Bạch Long Vĩ
Huyện đảo Bạch Long Vĩ hôm nay.
Đồng hành cùng Đoàn đại biểu Hội CCB T.P Hải Phòng, mới đây, chúng tôi có dịp ra thăm các hội viên CCB huyện đảo Bạch Long Vĩ đúng dịp Hội CCB huyện đảo tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “CCB gương mẫu” giai đoạn 2014-2019. Một cảm giác háo hức kỳ lạ. Chẳng ai hát, vậy mà suốt 7 tiếng đồng hồ trên tàu Bạch Long từ Bến Bính ra đảo, mặc sóng, mặc gió, lúc nào bên tai cũng như vang vút câu ca: “Bạch Long Vĩ đảo quê ơi!...”.
Bạch Long Vĩ là huyện đảo của T.P Hải Phòng, nằm giữa Vịnh Bắc Bộ với diện tích 3,7km2, cách T.P Hải Phòng 75 hải lý (chừng 140km). Đảo nằm trên một trong tám ngư trường lớn của vịnh, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KTXH, ANQP biển của cả nước. Quân dân huyện đảo đang phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Bạch Long Vĩ thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn; từng bước hình thành các hoạt động du lịch biển và lễ hội văn hóa; gắn phát triển KTXH với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trước đây, nói đến Bạch Long Vĩ là nói đến cát bụi, nắng rát và khô cằn. Cả nước vào cuộc lo cùng Bạch Long Vĩ và các huyện đảo với những nguồn đầu tư lớn để phát triển KTXH. Điều thay đổi dễ thấy nhất ở Bạch Long Vĩ là vấn đề năng lượng điện. Do cách đất liền 140km, không thể kết nối với điện lưới quốc gia, tới năm 2006, huyện Bạch Long Vĩ mới bắt đầu được cung cấp điện từ hệ thống trạm điện gió kết hợp máy phát điện diesel có tổng dung lượng 800kVA. Tuy nhiên, cơn bão số 10-2009 đã làm gãy trụ phát điện gió. Đảo thường xuyên cắt điện luân phiên. Nhiều cơ sở hậu cần nghề cá muốn đầu tư sản xuất nước đá, sửa chữa tàu, thuyền nhưng thiếu điện. Hằng ngày, người dân chỉ dùng được quạt điện mà không dùng được ti vi, máy lạnh cũng vì thiếu điện. Nhưng từ năm 2016, điện lưới đã được đưa vào sử dụng trên huyện đảo.
Cuộc sống của người dân trên đảo đang thay đổi từng ngày. Mừng nhất là, trên 200 hộ dân ở cả ba khu dân cư của đảo đến nay đã hết hộ nghèo. Ngoài trung tâm hành chính, công trình lớn nhất trên đảo là âu tàu mạn Đông hằng ngày đón nhận 300-400 lượt tàu thuyền vào trao đổi hải sản, mua bán xăng dầu, nước ngọt và khi có bão tố có thể đón hàng ngàn tàu thuyền khi đánh cá vào tránh trú. Để Bạch Long Vĩ trở thành Trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn trên Vịnh Bắc Bộ, thêm một âu tàu ở mạn Tây hiện đang được đầu tư xây dựng. Trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế, đài phát thanh, hệ thống đường giao thông... Một màu xanh căng tràn nhựa sống đang hiện diện trên mọi ngõ ngách của huyện đảo giữa trùng khơi này.
Dự Hội nghị “CCB gương mẫu”, chúng tôi hiểu, mọi hoạt động của Hội được các cấp, các ngành ở huyện rất quan tâm và các hoạt động luôn gắn với mọi mặt công tác của địa phương. Lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban, các phòng, ban tham dự đông đủ. Hội CCB huyện Bạch Long Vĩ có 40 hội viên thì 39 hội viên tham dự Hội nghị. Công tác nghĩa tình thật sâu đậm. Hội viên CCB Vũ Văn Luyến bị bệnh hiểm nghèo đang điều trị trong đất liền được Đoàn CCB thành phố và huyện đến tận gia đình thăm hỏi, trao tặng 10 triệu đồng giúp vượt khó khăn. Được biết, các nhiệm vụ chính trị, huyện Hội đều hoàn thành xuất sắc. Nhiều hội viên, từ Chủ tịch Hội CCB huyện Phạm Văn Tiệp, các Phó chủ tịch Hội Lương Thanh Hải, Nguyễn Sĩ Bắc cho đến các anh Trần Văn Hiên, anh Lê Văn Chuyển, chị Vũ Thị Oanh... đều là những người “đa tài”, đảm đương 3-4 chức vụ cùng lúc. Anh Trần Văn Hiên, ngoài chức Chi hội phó CCB Chi hội 3 còn là Liên đội trưởng Thanh niên xung phong; Lê Văn Chuyển ngoài là Chi hội trưởng Chi hội 3 còn là Trưởng ban MTTQ cơ sở, Phó trưởng khu dân cư, Trung đội trưởng trung đội dân quân cơ động của huyện; ngoài ra anh còn là hội viên CCB sản xuất kinh doanh giỏi khi đầu tư 13 tỷ đồng sắm tàu sắt tải trọng 400 tấn làm dịch vụ nghề cá. Chị Vũ Thị Oanh, cả hai vợ chồng đều là hội viên CCB, ngoài chức Chi hội trưởng CCB Chi hội 4 còn đảm đương chức Chi hội trưởng Phụ nữ, Trưởng ban Mặt trận khu dân cư... Tham gia tích cực công tác xã hội và làm kinh tế giỏi còn các hội viên CCB Đinh Văn Gấn với 2 tàu dịch vụ nghề cá, hội viên CCB Phạm Văn Nhâm với 2 tàu dịch vụ nghề cá... 40 hội viên của huyện đều tích cực tham gia trồng 20ha rừng phòng hộ trên đảo, chăm sóc bảo vệ 15.000 cây phi lao, 2.250 cây dừa cùng 40.000 cây phi lao; tuyên truyền cho các ngư dân mỗi khi vào âu tàu về đánh bắt hải sản an toàn, đúng quy định trên biển, giữ gìn môi trường, bảo vệ an ninh trật tự địa bàn... Đây đều là những tấm gương sáng, những việc làm tiêu biểu được Hội nghị biểu dương, khen thưởng, góp phần tạo nên sức sống mới trên hòn đảo tiền tiêu này.
Đóng góp vào thành tích ấy là công sức không chỉ của CCB huyện đảo Bạch Long Vĩ. Những năm qua, các cấp Hội CCB T.P Hải Phòng đã cùng chung sức quyên góp được hàng ngàn tấn xi măng chuyển ra Bạch Long Vĩ làm đường giao thông, làm nhà cho người dân; vận động quyên góp được 40.000 cây phi lao và 500 cây có giá trị trong chương trình “Vì màu xanh biển đảo tiền tiêu” chuyển ra trồng tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, đến nay cây đã xanh tốt, tạo nên khu “Rừng phòng hộ Hội CCB T.P Hải Phòng” trên đảo...
Một màu xanh đầy sức sống đang hiện diện khắp nơi. Chuyện về các CCB ở huyện đảo Bạch Long Vĩ, chuyện nào cũng hay làm tôi nhớ mãi.
Ghi chép của Lê Doãn Chiêu