Trước khi đọc bài viết trên báo Cựu Chiến binh VN, tôi đã được biết sự việc “động trời” này qua trang Blog của nhà văn Đông La. Bên cạnh nỗi tức giận đến nghẹn lòng về một cách hành xử vô nhân đạo, thì cảm giác của tôi lúc đó chỉ có thể diễn tả được bằng một từ: “sốc”. Trong thâm tâm tôi không thể hình dung việc làm đó, hành vi đó lại được thực hiện bởi những người đại diện cho một cơ quan thực thi nhiệm vụ đảm bảo chính sách xã hội cho công dân của Việt Nam - một Nhà nước dân chủ “do dân, vì dân”. Xưa nay, đâu đó vẫn lưu truyền những câu chuyện rùng rợn về “đào mồ cuốc mả” được thực hiện lén lút, mờ ám của phường trộm cắp, thảo khấu hay giữa những kẻ có mối thù không đội trời chung… Còn đây, sự việc vừa được báo chí cập nhật là người thật, việc thật thì quả là coi thường đạo lý và luật pháp. Qua lời kể của ông Cấn Văn Hành, quá trình đi tìm mộ anh trai là liệt sĩ Cấn Văn Học, ông được cô Vũ Thị Hòa chỉ tận nơi sau đó đưa về an táng tại nghĩa trang địa phương, có sự chứng kiến và xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng mới “chỉ nghe tố giác của công dân (một phía), không điều tra kỹ họ đã khai quật mộ liệt sĩ. Thành phần Tổ khai quật chưa đủ điều kiện, chỉ là người của Sở, không có cơ quan công an, pháp y… Nghiêm trọng nhất là không có thân nhân liệt sĩ – không được thân nhân liệt sĩ chấp nhận…” Lẽ ra việc khai quật mộ sẽ chỉ được tiến hành sau khi họ đã chứng minh được ông Cấn Văn Hành lừa đảo với các chứng cứ xác thực và dưới sự chứng kiến của đại diện cơ quan, ban ngành chức năng… Nhưng những gì đã diễn ra theo như phản ánh trong bài viết lại cho thấy một lối làm việc cực kỳ tùy tiện, bất chấp pháp luật, coi thường “thảo dân” của những kẻ đang sống nhờ vào đồng lương chắt chiu từ mồ hôi nước mắt của người dân.
Ngoài việc phạm luật, hành vi cố tình xâm phạm mồ mả là lối hành xử bất nhân, coi thường đạo lý của những người đại diện cho Sở Lao động TBXH tỉnh Bình Phước. Người Việt ta, từ xưa đến nay coi việc giữ “mồ yên mả đẹp” là nghĩa vụ và trách nhiệm của người còn sống đối với người đã khuất. Vì thế, bất luận vì lý do gì, việc “cào mồ cuốc mả” là điều tối kỵ và gây nhiều đau đớn, xót xa cho thân nhân của người đã khuất, hơn nữa đây là lại mộ liệt sĩ . Việc làm của những người đại diện cho Sở Lao động TBXH tỉnh Bình Phước, dù chỉ mang tính cá biệt nhưng đã khiến cho tôi và thân nhân liệt sĩ ở nhiều nơi phẫn nộ và không khỏi hoang mang. Nếu chỉ căn cứ vào một lá đơn tố cáo và ngay cả khi chưa thu thập đủ bằng chứng đã vội vàng quy kết nhà ngoại cảm lừa đảo, như VTV đã làm thì không biết chừng hàng ngàn, hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ được tìm thấy nhờ ngoại cảm, đang “mồ yên mả đẹp” trong nghĩa trang sẽ bị đào xới lên.
Cũng như gia đình ông Cấn Văn Hành, gia đình TS. Vũ Văn Hiền, gia đình trung tá công an Nguyễn Thúc Châu… và nhiều gia đình khác, (trong đó có gia đình tôi) nếu không được sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa và hoàn toàn vô tư của cô Vũ Thị Hòa thì có lẽ không có niềm vui “hội ngộ” vô cùng lớn lao, khi tìm được di cốt của người thân hy sinh từ những năm kháng chiến.
Trước nỗi đau của gia đình ông Cấn Văn Hành, chúng tôi thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ sự việc, trừng trị thích đáng những kẻ vi phạm pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
Hà Nội, 20 - 3 - 2014
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan (0983000564) Giảng viên Trường Đại học Sư phạm 2