“Liệt sĩ” trở về (14/07/2011)
Anh cúi xuống hôn vào đôi má bầu bĩnh của cu Bắc hai tuổi đang say ngủ, rồi ngồi sát vào Hạnh vòng tay ôm ngang vai vợ đang ngồi cho bé Hằng hai tháng tuổi bú. Anh nhìn sâu vào mắt Hạnh lúc ấy đang nén tiếng nức nở. Tiếng anh dịu dàng bên tai Hạnh: "Anh biết em sẽ gặp khó khăn trong công việc gia đình, xã hội khi vắng anh. Nhưng bằng năng lực hàng ngày trong sản xuất và nuôi dạy các con, anh tin em sẽ vượt qua được. Ta tạm xa nhau để sau này gần nhau mãi nghe em...". Anh không cho Hạnh đưa tiễn. Đứng trong khung cửa sổ trên lầu ba khu ba tầng tập thể Phan Bội Châu (nhà ở cho công nhân quốc doanh dệt Nam Định), Hạnh dõi theo bóng anh mờ dần trong màn sương trắng đục, nơi có đoàn tàu đang đón đợi các chiến sĩ vào Nam ở ga Nam Định.
Rồi những tháng, năm tiếp theo, Hạnh âm thầm vừa nuôi con vừa sản xuất trong hoàn cảnh gay go vì máy bay Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Thành phố công nghiệp dệt bị oanh tạc, nhiều phân xưởng dệt trong nhà máy bị tàn phá. Cơ sở dệt phải chuyển máy móc phân tán nhỏ đi các tỉnh lân cận để tiếp tục sản xuất. Tất cả các chị em có chồng đi "B" đều biến lòng căm thù thành hành động. Sự nhớ thương thể hiện vào công việc. Ai cũng nỗ lực làm cả phần việc cho người đi xa, sản xuất tăng năng suất, chi viện cho miền Nam 2 triệu thước vải, thắt lưng, buộc bụng ăn độn khoai, sắn, bo bo để tiếp viện cho tiền tuyến lớn. Khó khăn chồng lên khó khăn, đôi cánh tay mảnh khảnh của Hạnh có lúc tưởng như rã xuống không nâng nổi tháng, năm. Nhưng cũng như tất cả những chị em có chồng đi "B" khác, nỗi thương con, nỗi nhớ chồng đã giúp họ vượt qua tất cả.
... Vậy mà bây giờ anh không còn nữa! Bà chị chồng của Hạnh đã có lần nhắc: "Cậu ấy đã vì nước hy sinh, mợ trẻ chưa qua, già chưa tới, nếu muốn đi bước nữa, chị sẽ tác thành cho". Chẳng phải Hạnh không mong có một mái ấm gia đình và con tim kém nhạy bén trước bao lời tỏ tình từ khi chồng chết, nhưng lấy chồng là phải san sẻ yêu thương cho chồng và rồi sẽ có con. Vậy các con của Hạnh sẽ không được sung sướng như khi sống với riêng mẹ. Thôi thì... Hạnh thở dài, để cho lí trí thắng con tim và Hạnh âm thầm trở lại với sinh hoạt thường ngày. Lòng Hạnh vui vẻ khi thấy thằng Bắc, con Hằng ngoan ngoãn. Nhất là thằng Bắc mười hai tuổi đã có năng khiếu về âm nhạc. Bắc kéo vi-ô-lông những bản nhạc cổ điển: Phiên chợ Ba Tư, Đa-nuýp xanh, La Pa-lô-ma… hay lắm!...
... Vào ngày 15-12-1975, có một anh bộ đội vai đeo ba lô, vận bộ quân phục bạc màu đến phố Hàng Cau, TP Nam Định. Anh hỏi thăm đoàn người đang xếp hàng chờ lấy nước: "Nhà cô Hạnh công nhân dệt chuyển về ở phố này là nhà nào các chị?" Một chị liền đẩy ra khỏi hàng một cháu gái cỡ mười tuổi và nói: "Hằng, có chú bộ đội hỏi mẹ cháu kìa". Bé Hằng ngước đôi mắt tròn xoe nhìn anh bộ đội, nói: "Cháu còn đợi lấy nước. Chú cứ vào trong ngõ, nhà nào có giàn mướp là nhà của mẹ. Anh cháu ở nhà đấy". Theo tay cháu gái chỉ, anh bộ đội đi vào, dừng lại trước dãy hành lang phía ngoài còn ngổn ngang gạch đổ, có giàn mướp trổ hoa vàng rực rỡ. Anh gọi vào trong. Một cháu trai bước ra, lễ phép chào và mời anh vào nhà. "Thưa chú, chú hỏi mẹ cháu". Anh chưa trả lời được vì lòng anh đang trào bao cảm giác vui buồn lẫn lộn. Anh nhìn dải hành lang được gọi là "nhà", chật chội và đồ đạc sơ sài. Căn hộ tuy ngăn nắp sạch sẽ vẫn lộ ra sự nghèo nàn, trống vắng. Anh run run hỏi: "Mẹ cháu đâu?". Cháu bé nhỏ nhẹ: "Thưa, mẹ cháu đi làm". Cổ họng anh se thắt. Anh nuốt khan hỏi tiếp: "Mẹ cháu đi làm, còn... ba cháu đâu?". Đôi mắt bé chợt buồn: "Thưa, cháu không có ba, chỉ có bố, mà bố cháu là liệt sĩ. Mẹ cháu để ảnh thờ kia". Cháu trai chỉ lên chiếc bàn thờ trên cao. Anh chưa kịp nói gì thì thằng bé kêu lên "Ối, sao chú giống ảnh bố quá!". Sức mạnh tình cảm nổ tung, anh bật khóc, giang đôi tay gân guốc ôm choàng lấy cháu bé nói trong tiếng nấc: "Bố đây! Bố còn sống về với con đây!". Cháu trai thốt lên tiếng "bố" và cũng khóc. Chợt có tiếng bé Hằng gọi: "Anh Bắc ra khiêng nước với em". Không thấy trả lời, nó chạy vào nhà. Tưởng chú bộ đội đánh anh, nó sấn tới: "Sao chú đánh anh cháu? " và kêu ầm lên cố gỡ vòng tay anh đang ôm siết anh nó.
Bà con lân cận thấy chộn rộn liền chạy sang, vỡ lẽ ra. Anh bộ đội chính là chồng của Hạnh, bố của Bắc và Hằng. Khi bà con hỏi vì sao đã báo tử mà anh còn sống trở về, anh trả lời là có một đồng đội cũng tên họ như anh, cũng bị thương nặng sau đó hy sinh. Do chiến đấu nơi vùng “da beo”, bộ đội tiến lên, còn liệt sĩ, thương binh đã có người chuyển về tuyến sau, nên có sự báo tử lầm như vậy. Bà con hân hoan, nấu nước pha trà, mua bánh kẹo đãi anh. Tiếng cười nói râm ran mừng anh bộ đội "sót sổ thiên tào". Người chị gặp anh đầu tiên hỏi: "Sao chú không nói ngay là chồng cô Hạnh". Anh cười xoà: "Dạ, sợ vợ em có chồng khác chớ. Phải thăm dò cho chắc ăn...". Bà con cuời ầm lên và bảo cô Thuý đang lấp ló ngoài cửa liếp: "Thuý, đi tìm chị Hạnh, nói chị: “Liệt sĩ” đã trở về nghe chưa". Thúy vù đi như một cánh chim.
... Và giờ đây Hạnh đã đứng trước mặt chồng mà vẫn bàng hoàng tưởng là mơ. Những hạt lệ mừng nối nhau lăn tròn trên đôi má lợt lạt đã thoáng ửng sắc hồng. Tay nắm trong tay, mắt chìm sâu đáy mắt. Mái tóc phai màu thời gian của Hạnh xoà trên khuôn ngực ấm áp của chồng trong khi trái tim Hạnh dạt dào những lượn sóng yêu thương đang cất tiếng hát.
TRẦN LỆ KHÁNH