Liệt sĩ Trần Giao xứng danh anh hùng
PV Báo CCBVN ( người thứ 2 bên trái) trao đổi với lãnh đạo, nhân chứng xã Bình Hải về liệt sĩ Trần Giao Bình Hải- một xã ven biển phía đông huyện Thăng Bình, mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, nhất là trong 21 năm chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh, mảnh đất và người dân Bình Hải một lòng theo Đảng , kiên cường trụ bám, anh dũng chiến đấu với kẻ thù. Sự hy sinh vô bờ bến của người dân Bình Hải không bút mực nào viết đủ, trong đó có người con ưu tú Trần Giao. Ông sinh năm 1908 trong gia đình làm nghề biển. Những năm kháng chiến chống Pháp, cả gia đình ông đều tham gia kháng chiến, đến năm 1957, Trần Giao chính thức hoạt động bí mật trong tổ chức Lâm Hoàng Diệu.Nhớ lại những năm tháng vô cùng đen tối của quê hương với quốc sách “Tố cộng- diệt cộng”, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức đàn áp tàn khốc, nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt, phần lớn đều bị thủ tiêu, có thời điểm cả xã còn vài đảng viên, cán bộ, nhưng tổ chức Đảng vẫn tồn tại để lãnh đạo nhân dân xây dựng cơ sở, phát động nhân dân nổi dậy cướp chính quyền. Năm 1964, khí thế cách mạng ở vùng đông nói chung và Bình Hải nói riêng lên rất cao, xã Bình Hải thành lập Ban cán sự các thôn và các đội du kích mật, đồng chí Trần Giao và đồng chí Trần Xuân An được cấp trên giao nhiệm vụ phụ trách chung, xây dựng trên 60 cơ sở ở 4 thôn, sẵn sàng phối hợp với bộ đội của tỉnh, của huyện tiến công giải phóng hoàn toàn xã Bình Hải vào đầu tháng 9/1964 và đồng chí Trần Giao được huyện ủy Thăng Bình giao nhiệm vụ Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Uỷ ban cách mạng lâm thời của xã. Từ năm 1965 khi Mỹ đổ bộ vào Quảng Nam- Đà Nẵng đến năm 1970 là những năm tháng vô cùng gian khổ, ác liệt, đồng chí Trần Giao cùng nhân dân Bình Hải vẫn kiên cường bám đất, bám dân, một tấc không đi, một ly không rời, một mặt củng cố , phát triển cơ sở, một mặt xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, động viên nhân dân tăng gia sản xuất, động viên con em lên đường đánh giặc. Cuối năm 1969, Mỹ-Ngụy tiến hành đánh phá, đàn áp khốc liệt, đồng chí Trần Giao và cán bộ, nhân dân Bình Hải phải di chuyển ra thôn 6 xã Bình Dương, chủ yếu sống dưới hầm bí mật là chính, ban đêm mới trồi lên mặt đất kiếm cái ăn để sống , đánh giặc.Tháng 4/1970, địch càn quét vào thôn 6 Bình Dương, Trần Giao cùng hàng chục cán bộ chiến đấu kiên cường suốt nhiều ngày liền. Nhưng do địch quá đông và hỏa lực quá mạnh, 5 đồng chí hy sinh, đồng chí Trần Giao cùng 8 đồng chí khác bị địch bắt cầm tù. Những ngày trong tù, địch tra tấn dã man, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, kiên quyết không khai báo, luôn chửi thẳng vào mặt kẻ thù, không ăn cơm của địch. Biết không thể dụ dỗ, địch mang đồng chí ra nỗng cát thôn Đồng Trì (xã Bình Hải) hành quyết. Hiện nay, ở xã Bình Hải có hàng trăm người dân chứng kiến giây phút địch hành quyết đồng chí Trần Giao hôm đó. Địch cho ông nói lời cuối cùng, nhưng đồng chí Trần Giao dõng dạc hô vang “Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai”, “ Hồ Chí Minh muôn năm” , hàng trăm người dân có mặt cũng hô vang làm cho bọn địch hoảng sợ, lúng túng. Bọn địch bắn đồng chí ngã xuống nhưng chưa chết, chúng dùng búa đập dã man vào đầu cho đến chết. Sự hy sinh vô cùng quả cảm và tấm gương kiên trung, bất khuất của đồng chí Trần Giao mãi mãi còn trong tâm trí người dân Bình Hải quê ông. Đồng chí Trần Giao sáng ngời phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, chiến đấu với kẻ thù đến hơi thở cuối cùng cho độc lập-tự do của Tổ quốc.
Những ngày về công tác tại xã, được đọc Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Hải, gặp gỡ nhân chứng, người thân và lãnh đạo địa phương, chúng tôi vô cùng khâm phục và biết ơn những chiến sĩ cách mạng kiên cường như liệt sĩ Trần Giao. Và chúng tôi càng khâm phục hơn sự cống hiến, hy sinh đến tận cùng của cả gia đình liệt sĩ Trần Giao. Cả gia đình ông có đến 8 liệt sĩ, 3 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, gồm Mẹ của liệt sĩ Trần Giao, vợ của liệt sĩ Trần Giao và vợ liệt sĩ Trần Đăng Long (anh ruột liệt sĩ Trần Giao).
Những cống hiến vô cùng lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc của gia đình liệt sĩ Trần Giao, đặc biệt là sự hy sinh lẫm liệt của liệt sĩ Trần Giao , không chỉ chúng tôi mà nhân dân, cán bộ ở xã Bình Hải, huyện Thăng Bình hết sức băn khoăn vì sao liệt sĩ Trần Giao đến nay chưa được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình hy sinh quá lớn, bây giờ không còn ai, địa phương thì lúng túng trong việc lập hồ sơ nên đến bây giờ liệt sĩ vẫn chưa được truy tặng danh hiệu cao quý này . Thiết nghĩ, địa phương cần khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng sớm lập hồ sơ để chuyển cấp trên có thẩm quyền xem xét, mọi sự chậm trễ lúc này sẽ là nỗi ân hận, có lỗi với liệt sĩ Trần Giao.
Bài, ảnh: Nguyễn Phát