Qua bài viết đăng trên báo Đà Nẵng năm 2013 của tác giả Trần Hồng Minh, thân nhân của liệt sĩ đã đọc được và liên lạc đến các đồng đội Hội chiên sĩ bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị tại Đà Nẵng (Hội TCQT tại Đà Nẵng). Theo đó, gia đình của liệt sĩ Thiện đặt vấn đề trợ giúp tìm kiếm mộ liệt sĩ là đồng đội cùng chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị trong “81 ngày đêm”. Giấy báo tử của liệt sĩ Lê Quang Thiện ghi hy sinh ngày 25/8/1972, được mai táng chôn cất “tại nghĩa trang đơn vị, gần Mặt trận”, do Phó Chính ủy Trung đoàn 95 Lê Quang Thọ ký ngày 30/12/1972. Nguồn thông tin không có sơ đồ nơi mai táng, gần mặt trận – thị Mặt trận B5 lúc đó đóng từ sông Lai Phước đến Cam Lộ, sông Ba Lòng và Vĩnh Linh, thì khó khăn xác định được vị trí chôn cất liệt sĩ tại nghĩa trang đơn vị là ở đâu.
Được biết, vợ con của liệt sĩ Thiện đã nhiều lần đến Cam Lộ (qua giới thiệu), nơi có bệnh viện quân đội điều trị những thương binh từ Thành Cổ đưa về đây. Tại 2 Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) xã Cam Nghĩa và huyện Cam Lộ, thân nhân liệt sĩ đã tìm đọc tên trên các phần mộ vẫn không có tên. Kể cả việc, gia đình đã nhờ đến “ngoài cảm” mong tìm đưa được mộ của chồng, cha mình đưa về quê hương, nhưng cũng không đạt được ý nguyện. Trách nhiệm với đồng đội, ngày 20/8/2017, đồng đội Hội TCQT tại Đà Nẵng cùng với thân nhân gia đình đã đến NTLS huyện Vĩnh Linh, nơi được biết NTLS của bệnh viên trong chiến tranh tại Cam Lộ đã được chuyển về đây. Dưới nắng trưa gay gắt “Tháng Tám rám trái bưởi”, người vợ gầy nhỏ tuổi cao, sức yếu, miệt mài tìm đọc, mong sao thấy được tên chồng mình gắn trên phần mộ đâu đó trong nghĩa trang này. Khi đứng trước hàng trăm phần mộ “vô danh”, người vợ đứng lặng im, nước mắt và mồ hôi ròng chảy trên gò má, làm ướt đẩm cả vai áo, mái tóc râm bạc. Khí đứa con gái đến vỗ nhẹ vào vai, người mẹ mới giật mình mang theo nỗi niềm thất vọng, thương nhớ chồng trong 45 năm nay.
Tiếp đó, chúng tôi cùng sắp xếp lại chứng cứ, đi đến quyết định về Trạm phẩu Trung đoàn 95 năm 1972, nơi đó thôn Nhan Biều, xã Triệu Thương (phía Bắc sông Thạch Hãn) để dò tìm. Tại đây, chúng tôi gặp người quản trang - NTLS huyện Triệu Phong, được biết NTLS xã Triệu Thượng (nơi có trạm phẩu) đã được đưa về quy tập chung trong NTLS huyện Triệu Phong. Trong giấy báo tử ghi “chôn cất tại nghĩa trang đơn vị”, có thể là Trạm phẩu trung đoàn 95. Nơi đây có nhiều đồng đội bị thương trong thành cổ đưa về đây, không qua khỏi cơn nguy kích đã hy sinh chôn cất tại đây. Quá trình quy tập, di chuyển về nghĩa trang huyện Triệu Phong, đa số liệt sĩ thuộc trung đoàn 95, và có trên 200 phần mộ vô danh, trong đó có thể do qua trình quy tập đã dẫn đến liệt sĩ Thiện nằm trong các phần mộ vô danh.
Bài viết này mang theo lòng mong muốn của đại gia đình là, nếu đồng đội cùng bị thương điều trị tại bệnh viên, hoặc biết nơi mai tang liệt sĩ Thiện, thì điện báo về số điện thoại 0913044023 tên Lê Hà, con trai của Lê Quảng Thiện biết. Gia đình cảm ơn và hậu tạ.
Nguyễn Nhân Mùi