Lên Bản Giốc - Đôi điều suy nghĩ
Trời Hà Nội lất phất mưa, rét mướt. Nhưng lên đến Cao Bằng thì khô ráo, se lạnh, rất hợp với cảnh du lịch ngày Xuân, nên đường số 3 mấy ngày này xe cộ như mắc cửi. Ngược đèo Mã Phục, qua Trùng Khánh, cảnh tình miền biên ải rất mộng mơ; nhưng tôi biết sau vẻ mộng mơ đối với du khách là sự nhọc nhằn, vất vả của đồng bào các dân tộc vùng cao, mặc dù hôm nay đã đỡ nhiều rồi! Càng tới địa đầu biên giới, cảnh tình càng hấp dẫn. Khu vực Bản Giốc giờ đây như một thị tứ. Nhà hàng, quán xá dịch vụ mọc lên như nấm, đặc biệt là từ động Ngườm Ngao vào thác Bản Giốc.
Những địa danh gắn với cương vực chủ quyền Tổ quốc thì nơi đâu, đời nào cũng rất đỗi thiêng liêng. Với thác Bản Giốc lại càng hơn thế, bởi chính ngọn thác này cũng đã trải qua bao biến cố thăng trầm vì quốc gia phân tranh, "phân mao cỏ rẽ". Bây giờ nơi đây càng linh thiêng hơn, ngày ngày lại vang ngân tiếng chuông chùa. Ngược dốc đếm ngót nghìn bước rải bộ, tôi đứng trước bàn thờ Phật chùa Bản Giốc, thắp nén hương cầu mong chư vị đức Phật phù hộ cho Quốc thái dân an; sau đó tịnh tâm ra đứng đầu mom núi nhìn về phía trước. Thác Bản Giốc hiện lên mới hùng vĩ, đẹp đến nao lòng! Bật chợt trong tôi bật ra:
Ngược đèo Mã Phục, qua Trùng Khánh
Một vùng biên ải trắng hoa lau
Chuông chùa ai thỉnh vang lưng núi
Thác nhuốm thời gian bạc trắng đầu...
Thác Bản Giốc đẹp, khỏi phải bàn nhiều. Từ thuở học trò đồng ấu, tôi đã được ngắm ảnh thác trong sách "Tập đọc", để rồi đến nay tóc đã bạc như thác, vẫn không nguôi quên. Điều thú vị nhất, vẻ đẹp tân thời nhất của Bản Giốc giờ đây chính là sự hội tụ của con dân đất Việt ở bên ngọn thác này. Đông lắm, vui lắm! Người sở tại có, người Hà Nội có, dân miền Trung cũng có, rồi cả Tây nữa... Và tôi sững sờ, xúc động khi chứng kiến hai cặp uyên ương đưa nhau đến bên cột mốc biên giới, dưới chân thác, chụp ảnh cưới. Tôi tin, vẻ đẹp trời ban dẫu có đẹp đến mấy cũng khó có sức cuốn hút con người từ nơi đẩu nơi đâu đến chốn "thâm sơn cùng cốc" này nếu nó không chứa hồn cốt - giá trị lịch sử, chủ quyền của đất Việt, người Việt!
Nghĩ về vẻ đẹp, đặc biệt là giá trị thiêng liêng của thác Bản Giốc và những di tích, danh thắng nơi đây, tôi day dứt về việc tổ chức du lịch và những gì tạm coi là ứng xử của con người với những giá trị thiêng liêng đó.
Với động Ngườm Ngao, tôi được biết, đầu năm 1979, khi chiến tranh nổ ra, đối phương cho quân tràn qua biên giới. Mấy trăm đồng bào địa phương nhờ có động Ngườm Ngao như căn hầm bí mật khổng lồ, mà thoát nạn. Để vào được động, người ta phải đi qua một cửa ải hẹp, hiểm trở. Nhưng bây giờ, người ta đã phá núi, mở rộng cửa ải và san bằng thung lũng trước cửa động, thảm xi măng làm sân đỗ ô tô, dựng hàng quán để kinh doanh... Đứng trước cửa động nhìn xuống, một vị nghe chừng đã tới đây nhiều lần than thở: Thung lũng này, trước đây bao quanh là một vòng núi khép kín như một vòng thành hùng vĩ. Nếu ngày ấy có đại lộ này thì dân mình khó thoát!
Với thác Bản Giốc, phải khẳng định đây không chỉ là danh thắng mà còn là địa danh rất đỗi thiêng liêng gắn với chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Dân Việt đến đây không chỉ để du lịch thưởng ngọan, mà còn thể hiện tình yêu Tổ quốc. Vì vậy, việc tu bổ, nâng cấp cảnh quan; đặc biệt là tổ chức kinh doanh cũng cần cân nhắc; nên kết hợp giáo dục tình yêu, lòng tự hào Dân tộc với kinh doanh, chứ không chỉ tính đến lợi ích kinh tế đơn thuần.
Nhìn thắng cảnh Bản Giốc hiện nay, thiển nghĩ, Ban Quản lý khu vực Bản Giốc không lý do gì được thu tiền tham quan của khách mỗi lần vào 40.000 đồng (để xe ở bãi bên ngoài đã thu phí giửi xe). Toàn bộ khu vực thác, cột mốc, không có một dấu ấn gì gọi là có bàn tay con người tác động. Con đường vài trăm thước từ chỗ thu tiền vào thác chỉ là lối đi thiên thẹo dọc theo bờ ruộng bậc thang, xung quanh bị bao vây bởi các bếp nướng hạt dẻ, quán cóc tạm bợ, nhếch nhác. Phía trước thác cũng chỉ là ruộng, là ao, chuôm tự nhiên... Toàn bộ thác phụ và một nửa thác chính thuộc chủ quyền của ta; phía láng giềng chỉ có một nửa thác chính. Nhưng nhìn sang phía láng giềng, thấy bến thuyền, đường ven suối... được xây cất đâu vào đấy mà chạnh lòng ao ước giá như mình có được con đường vào khu vực thác, rộng chừng hai thước, xung quanh không cần hoa hoét, mà những vạt ruộng bậc thang chỉ cần trồng cải... thì những người quản lý ở đây thu mấy chục nghìn đồng của khách cũng đáng.
Từ Bản Giốc trở về, tôi thấy rằng những nhà quản lý hãy vì giá trị thiêng liêng của Bản Giốc, vì lòng tự hào, tự tôn Dân tộc, có sự đầu tư tôn tạo cho phù hợp, để dân mình đến đây thêm tự hào, khổi phải "chạnh lòng non nước!". Không nên chỉ đơn thuần kinh doanh kiếm lời từ những giá trị thiêng liêng đó!
Duy Tường