Lễ rước Sắc Bố Cái Đại Vương tại lễ hội làng Triều Khúc (02/02/2012)
Vì vậy dân làng Triều Khúc thờ Phùng Hưng làm thành hoàng. Và cứ đến ngày 10 tháng Giêng hàng năm, dân làng Triều Khúc lại mở hội rước kiệu đưa Sắc của vua Phùng Hưng về Đại Đình.
Hội kéo dài ba ngày, có các nghi thức quen thuộc ở các hội đồng bằng Bắc bộ như rước kiệu, múa rồng, múa sư tử, múa “con đĩ đánh bồng”… Riêng nghi thức múa cờ thì chỉ làng này mới có.
Theo tục lệ cũ, ngày mồng 8 tháng giêng, theo sự điều khiển của ban chấp sự, trai tráng được vinh dự phân công khênh kiệu đều tập trung ở đình để tập dượt các thể thức rước, dưới sự giám sát của ban lễ hội và cố vấn là những cụ phụ lão am hiểu các quy trình của đám rước thần.
Thức cúng được chuẩn bị chu đáo từ mấy tháng trước. Thường là gạo nếp chọn từ những bông lúa mẩy hạt nhất của làng. Lợn gà thì cũng là vật nuôi trong chuồng nhà đã vỗ béo từ lâu. Trong đình những đồ bằng đồng được đánh bóng, đồ sứ được lau rửa sáng rực màu men.
Những đồ thờ mà sẽ mang đi rước như cỗ kiệu, hương án, 3 lá cờ vía, 5 lá cờ ngũ hành, đôi tàn, đôi tán, 6 gươm cẩn, 8 gươm trường, 8 bát bửu, chiêng trống và đôi ngựa bạch thắng đại cương, yên bành được bày ra ngoài phương đình.
Đám rước có cờ ngũ hành, tàn tán che kiệu, bát bửi, gươm cẩn, gươm trường uy nghi theo nền nhạc bát âm, thỉnh thoảng điểm tiếng trống cả và tiếng chiêng. Kiệu rước có trống tiền, trống hậu, có múa bồng và múa rồng đi theo.
Trong buổi tế có 3 lần tiến tửu. Mỗi lần dẫn rượu đều có múa bồng. Từng đôi nam đóng giả nữ, sắm vai “con đĩ đánh bồng”, đeo quàng trống qua cổ, thắt lưng màu… Múa bồng là một tiết mục phục vụ nghi lễ tế thần vừa góp phần giải trí cho mọi người.
Ngày 12, cũng là ngày cuối cùng của lễ hội, có tổ chức nghi lễ múa cờ - múa chạy cờ là đặc điểm của lễ hội Triều Khúc mang ý nghĩa kỷ niệm ngày Phùng Hưng ra quân. Tù và, thanh la, trống cả sôi nổi liên hồi dồn dập. Các tráng sĩ mặc áo nẹp ngắn, quần dài, thắt lưng xanh, đầu cuốn khăn đỏ, quấn xà cạp. Mỗi tráng sĩ mang một thứ binh khí: gươm trường, mã tấu, truỳ, kích, đại đao… là đồ thờ trong đình biểu diễn vũ thuật trước sự hoan hô của dân chúng, thể hiện khí thế đoàn quân của Bố Cái Đại Vương xưa.
Hoàng Linh