Lễ kỷ niệm, hay cuộc chia tay giữa phương Tây và Nga?

Hôm 9-5, tại Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moscow đã diễn ra Lễ# diễu binh có quy mô hoành tráng nhất trong lịch sử hiện đại Nga với sự tham gia của hơn 16.500 binh sĩ cùng 200 trang thiết bị quân sự hiện đại và 143 máy bay chiến đấu của quân đội Nga.
Mặc dù Moscow đã mời 68 nhà lãnh đạo của các quốc gia và tổ chức quốc tế đến dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày Liên Xô chiến thắng phát xít Đức, nhưng chỉ có 27 đại diện tham dự. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp François Hollande và phần lớn nguyên thủ các nước Đông Âu đều vắng mặt.
Trước đó, quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã “nhắn nhủ” các nhà lãnh đạo thế giới “cần cân nhắc những gì đang diễn ra tại Ukraine” trước khi tham dự buổi diễu binh 9-5. Thậm chí trong một bài viết trên tờ Los Angeles Times, ba cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine còn đưa ra “sáng kiến” nên tổ chức một buổi lễ chiến thắng tại thủ đô Kiev của nước này và mời các nhà lãnh đạo phương Tây đến tham dự.
Đáng chú ý, phát biểu tại một diễn đàn ở Gdansk, Ba Lan hôm 7-5, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã “cảm ơn nhiều nhà lãnh đạo thế giới vì đã từ chối không tham dự lễ diễu binh ở thủ đô Moscow”. Kiev đang thực hiện một chiến dịch nhằm so sánh những CCB anh hùng thời Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại với lực lượng phát động cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai miền Đông Ukraine. Thậm chí, họ đã từ bỏ cái tên Xô Viết đặt cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ II và hướng tới dùng hoa anh túc-một biểu tượng thời chiến của Anh, để kỷ niệm 70 năm ngày giành chiến thắng phát xít Đức.
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc giới chức phương Tây từ chối đến tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Nga thể hiện sự thiếu trân trọng đối với tất cả những chiến sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ loài người khỏi thảm họa phát xít.
Trong khi đó, phát biểu tại Lễ duyệt binh hôm 9-5, bên cạnh nhấn mạnh niềm tự hào rằng “Chính cha ông ta là những người đã thắng thế, đập tan và tiêu diệt chủ nghĩa phát xít”, Tổng thống Nga V. Putin đã không quên bày tỏ sự “Biết ơn nhân dân Anh, Pháp và Mỹ vì đóng góp của họ cho chiến thắng; biết ơn các lực lượng chống phát xít ở nhiều nước, trong đó có cả những người ở Đức”. Điều này thể hiện chiều sâu văn hóa Nga, tinh thần Nga, thể hiện tầm cao của một nhà Lãnh đạo Lớn của một Đất nước Vĩ đại.
Hồi tháng 3-2015, phát biểu tại một phiên họp bàn kế hoạch diễu binh ngày 9-5, Tổng thống Putin khẳng định: “Mục đích của họ (các quốc gia phương Tây) là rất rõ ràng. Họ muốn hạ thấp uy tín chính quyền của nước Nga hiện đại, chia cách nước Nga khỏi vị thế chiến thắng của mình”. Ông còn cáo buộc Mỹ và phương Tây đang cố bóp méo lịch sử và xúc phạm “cả thế hệ những con người đã hi sinh tất cả vì hòa bình của thế giới”.
Ông Putin nói rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm viết lại lịch sử hoặc bào chữa cho những tội ác do phát xít gây ra trong Chiến tranh thế giới thứ II là không thể chấp nhận được. Hãng Sputnik News trích dẫn lời ông Putin trong cuộc hội thảo ngày 5-5 về vai trò của Nga và Trung Quốc trong việc đánh bại phát xít Đức và Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ 2, nhấn mạnh, “Những hành động như thế không chỉ vô đạo đức mà còn cực kỳ nguy hiểm vì chúng đẩy thế giới hướng tới những cuộc xung đột và bạo lực mới".
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) nhận xét, với sự vắng mặt của tất cả nhà lãnh đạo cường quốc phương Tây, ngày lễ kỷ niệm 70 chiến thắng phát xít sẽ là dấu mốc biểu trưng cho sự chuyển đổi chính sách toàn cầu của nước Nga. Chính quyền Moscow sẽ chính thức chấm dứt gần 25 năm nỗ lực tìm kiếm sự chấp nhận và hội nhập với thế giới phương Tây. Thay vào đó, nước Nga lại quay về với vị thế cầu nối Á-Âu truyền thống của mình.
Một bàn tay không che được Mặt Trời. Không có Hồng quân Liên Xô, chủ nghĩa phát xít có thể đã lan rộng ra những ranh giới không thể tưởng tượng được. Một số chính khách có thể cố tình không hiểu điều đó nhưng người dân thế giới hiểu rất rõ. Sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo phương Tây tại Lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít tại Moscow hôm 9-5 chỉ thể hiện sự bất lực của họ trước một nước Nga đang ngày một tự tin và cường thịnh.
Khổng Đức Bình