Lễ hội đền Bà Triệu
Theo các cụ cao niên ở làng Phú Điền, lễ hội diễn ra theo quy trình đền - lăng, đình. Riêng tại đình làng Phú Điền tổ chức nghi thức hội “Ngô-Triệu giao quân”. Tại đền Bà Triệu chủ yếu là tế lễ, như rước kiệu, tế nữ quan. Nghi thức rước kiệu
Việc rước bóng trong tế Phụng Nghinh là một nét độc đáo trong lễ hội Đền Bà Triệu. Trong ngày chính hội, người ta đặt bát hương Vua Bà lên kiệu cùng với hộp tư trang, đĩa trầu cau và chọn tám chàng trai đức độ, mặc áo đỏ cộc tay, thắt lưng màu đỏ, đầu chít khăn đỏ, quần trắng, chân đất để khênh kiệu. Đoàn rước đông người tham dự sẽ rước đền chính đến lăng rồi về đình làng. Đến lăng, kiệu được đặt trên giá đỡ và làm thủ tục nghi thức khấn đức Bà, nhân ngày húy kỵ, để tưởng nhớ công ơn của Bà với dân, với nước. Đoàn cử hành về đình làng; kiệu, bát hương bóng Bà đặt giữa đình và tiếp tục tế lễ một ngày một đêm gồm các tế yên vị, tế tam sanh. Sau đó đoàn rước tế theo lộ trình về đình chính để làm lễ.
Ngoài phần lễ, trong phần hội không có trò diễn dân gian mà chỉ có hội trận tại đình làng Phú Điền. Đây là linh hồn của các hoạt động lễ hội, bởi nó khơi dậy, liên tưởng đến hào khí chống quân Ngô của Bà... Ngoài các hoạt động truyền thống vốn có, còn có thêm nhiều nội dung phong phú như: Thi đấu vật, leo dây, thổi cơm thi, đánh cờ tướng, văn nghệ quần chúng, thi nấu ăn, thi đấu các môn thể thao (bóng chuyền, bóng đá)...
Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích Đền Bà Triệu còn lại cho đến ngày nay là tài sản văn hóa vô giá không chỉ của nhân dân Thanh Hóa mà là của cả dân tộc cần được quan tâm bảo vệ và phát huy.
Nguyễn Dũng