Lễ đón bằng UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành, 9 tỉnh, thành phố có di sản bài chòi, ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng có mặt ở mảnh đất Bình Định kiên trung, quê hương của anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ, để chia sẻ niềm vui to lớn với toàn thể cộng đồng thực hành nghệ thuật bài chòi Trung Bộ.
“Trong suốt 10 năm qua, hai chữ Việt Nam thân thương của chúng ta luôn được xướng lên tại các hội nghị của tổ chức UNESCO khi một di sản thiên nhiên, một di sản văn hoá hay một di sản ký ức thế giới của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được thế giới vinh danh. Từ một điểm khởi đầu, Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, hiện hữu với cả một hệ thống các loại di sản văn hoá đa dạng và phong phú trên bản đồ di sản thế giới của Liên Hợp Quốc”, Thủ tướng nói.
Năm nay, UNESCO vinh danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, di sản văn hoá phi vật thể thứ 12 của Việt Nam, chính là vinh danh những con người anh dũng, kiên trung nhưng đậm chất dí dỏm, sáng tạo và yêu thơ ca của mảnh đất miền Trung đầy nắng gió bởi lẽ bài chòi là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp mang tính sáng tạo và giải trí cao, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xướng, hội họa và văn học.
Xuất phát là một hình thức sinh hoạt giải trí của cộng đồng làng xã, một thú vui tao nhã của người dân miền Trung Việt Nam nhân dịp đầu Xuân, bài chòi đã nhanh chóng trở thành triết lý sống, tư tưởng gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng lòng vị tha và thúc đẩy tính sáng tạo.
Chơi bài chòi là để chia sẻ cảm xúc, tri thức và kinh nghiệm sống. Nghe bài chòi là để tu dưỡng lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước. Thưởng thức bài chòi là để phê phán thói hư tật xấu, sảng khoái vui cười, phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ít có loại hình nghệ thuật nào vừa mang tính giải trí sáng tạo cao lại vừa gắn kết nhân dân lao động như bài chòi.
Thông qua việc UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi, cộng đồng thế giới đã tái xác nhận và khẳng định kho tàng di sản văn hóa phong phú của Việt Nam và trân trọng ghi nhận những đóng góp của dân tộc chúng ta vào việc làm giàu hơn nữa kho tàng văn hoá của nhân loại. Đây chính là thương hiệu quốc gia mà thế giới dành cho chúng ta, qua đó góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế phẩm chất cần cù, sáng tạo và nhân ái của con người miền Trung Việt Nam, góp phần làm cho khu vực này phát triển du lịch mạnh hơn trong tương lai.
Thủ tướng cho rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động với những biến chuyển khôn lường, vượt ngoài khả năng dự báo. Trong thế giới đang ngày càng gắn kết, dễ bị đồng nhất hoá và gia tăng bất ổn đó, bản sắc văn hoá dân tộc của mỗi quốc gia, vốn là nhân tố bền vững nhất, càng bị thách thức.
Vì vậy, mỗi lần di sản của Việt Nam được thế giới vinh danh, trong mỗi chúng ta lại trào dâng lòng tự tôn dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc với tiền nhân và khao khát tiếp tục vươn lên để sánh kịp với bạn bè năm châu trong phát triển đất nước và gìn giữ bản sắc văn hoá. Với 12 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận, Việt Nam đang đứng thứ 8 trên 177 quốc gia thành viên của Công ước Bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể. Điều này có ý nghĩa rất lớn góp phần vun đắp tinh thần dân tộc, gìn giữ hồn cốt quê hương, trao truyền tri thức và gửi gắm tương lai…
“Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật bài chòi trước quốc tế vì từ nay di sản này không chỉ của riêng Việt Nam mà đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Trách nhiệm đối với các bậc tiền nhân để di sản này toả sáng xứng đáng với vùng đất của một thời văn hoá Sa Huỳnh rực rỡ, xứng đáng với nền văn minh Chămpa một thời vàng son, một bộ phận không thể tách rời của văn hoá Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ.
“Chính phủ Việt Nam long trọng cam kết cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành di sản, các cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam”, cũng như các di sản khác mà UNESCO đã công nhận, đảm bảo rằng “cái gì thuộc cộng đồng sẽ trả về cho cộng đồng” và qua đó chia sẻ các bài học thành công với các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng trên thế giới”. Chưa bao giờ vị thế quốc tế của Việt Nam ta lại cao như hiện nay và cũng chưa bao giờ đóng góp của dân tộc ta vào công việc chung của thế giới trong đó có lĩnh vực bảo tồn và tôn vinh giá trị văn hoá lại lớn như thế. Một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu phấn đấu và đang trở thành hiện thực mỗi ngày. Đó là nhờ điểm khởi đầu của nghìn năm văn hiến Việt Nam.
Chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để nền Văn hiến Việt Nam rạng danh muôn thuở, để tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa quyện, tỏa sáng cùng tinh hoa văn hóa nhân loại. Riêng đêm nay hãy để: “Gió Xuân phảng phất cành tre/Bà con cô bác cùng lắng nghe Bài Chòi”, Thủ tướng chia sẻ. “Hãy để tiếng ca bài chòi được vang lên trong từng gia đình, ngõ xóm của toàn bộ vùng đất miền Trung Việt Nam, để tiếng cười lan toả khắp muôn nơi, mang cho chúng ta niềm lạc quan về thế và lực mới của dân tộc Việt Nam”.
Tại buổi lễ, ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã trao bằng UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cho lãnh đạo Bộ VHTT&DL cùng 9 tỉnh, thành phố.
Bộ VHTT&DL đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam”.
VPCP