Lễ chào cờ ngày giải phóng thủ đô (08/10/2009)
Cột cờ Hà Nội còn gọi là Kỳ đài Hà Nội, được xây năm 1805, hoàn thành năm 1812, dưới thời Gia Long triều Nguyễn. Có 54 bậc cầu thang xây xoắn lên đến đỉnh cột. Cột cờ bao gồm tầng 1 cao 3,1 m , tầng 2 cao 3,7 m , tầng 3 cao 5,1 m. Trên có thân cột cờ cao 18,2 m, đỉnh cột cờ cao 3,3 m. Như vậy toàn bộ cột cờ 33,4 m, nếu cả trụ treo cờ cao 41m. Trước năm 1954, nhà binh Pháp dùng làm đài quan sát và trạm thông tin, ban ngày dùng tín hiệu, ban đêm dùng đèn.
Ngày 10–10–1954, về tiếp quản Thủ đô, lễ chào cờ được tiến hành tại Cột cờ Hà Hội. Trên tầng tháp cao nhất là các anh hùng, chiến sĩ thi đua và đại biểu chiến sĩ quyết tử Thủ đô, đứng thành một hàng danh dự, tượng trưng cho ý chí quyết tâm bảo vệ Thủ đô. Trên khoảng sân rộng, nhân dân Hà Nội đứng vòng trong, vòng ngoài và lan ra cả đường Hoàng Diệu và các phố xung quanh. Đúng 15 giờ, còi Nhà hát lớn nổi lên một hồi dài, cả lễ đài đang ồn ào bỗng im lặng. Đoàn nghi lễ quân đội theo sự điều khiển của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên cử bài “Tiến quân ca”. Mọi người kính cần ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng. Lá cờ của Tổ quốc đã trở về sau 9 năm kháng chiến gian khổ, lần đầu tiên phấp phới bay trong gió mùa thu, trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Nhiều khuôn mặt ngẩng cao có dòng nước mắt đang lăn rơi trên má. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, trân trọng đọc thư của Hồ Chủ tịch, gửi đồng bào Thủ đô. Mở đầu, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phảỉ xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô, với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết…” Tiếp theo, Hồ Chủ tịch kêu gọi: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung; làm cho Hà Nội thành một thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn vinh”.
55 năm đã trôi qua, lời Bác dặn ngày nào như còn nguyên trong lòng mỗi người dân, Hà Nội trở thành Thủ đô Anh hùng, thành phố Vì hoà bình và đang từng ngày, từng giờ tiến tới hiện đại, văn minh và hội nhập trong thời kỳ đổi mới.
Tô Kiều Thẩm