Lật lại hồ sơ 543 thùng thịt cừu, thịt bò nhập khẩu về cảng Hải Phòng: Cấp cả giấy chứng nhận kiểm dịch cho sản phẩm “bẩn”? (27/02/2013)
Làm trái qui định?
Tháng 5-2012, Công ty TNHH thực phẩm cao cấp (Hà Nội) được Cục Thú y - Bộ NNPTNT cấp phép nhập khẩu số lượng lớn thịt cừu, thịt bò đông lạnh từ Ô-xtrây-li-a về Việt Nam qua cảng Hải Phòng và một số cửa khẩu khác. Giấy phép nhập khẩu có hạn đến hết tháng 8-2012.
Ngày 22-8-2012, doanh nghiệp (DN) này nhập 543 thùng thịt bò, thịt cừu đông lạnh từ nhà sản xuất Midfield Commodities Pty Ltd - Ô-xtrây-li-a về cảng Hải Phòng. Tổng trọng lượng thịt nhập khẩu hơn 11 tấn, trong đó thịt cừu 1.814kg, thịt bò hơn 9.714kg. Cơ quan thú y vùng II đã thực hiện lấy mẫu kiểm dịch. Kết quả mẫu xét nghiệm cho thấy sản phẩm thịt bò bị nhiễm vi khuẩn hiếu khí vượt 7,4 lần, cliform gấp 2,4 lần cho phép; thịt cừu đạt vệ sinh thú y.
Do thịt bò không đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, Cơ quan thú y vùng II ra thông báo yêu cầu Công ty thực phẩm cao cấp làm các thủ tục cần thiết để lấy mẫu lần 2 tái kiểm tra, xét nghiệm. Kết quả mẫu xét nghiệm lần 2 vẫn không đạt, buộc Cơ quan thú y vùng II yêu cầu DN tái xuất lô hàng. Mặc dù vậy, không biết do “tư vấn” từ đâu, trong qui định không có việc lấy mẫu lần 3 để kiểm tra thì DN này lại có văn bản, gửi Cơ quan thú y vùng II và Cục Thú y “xin” bóc tách thành 8 loại sản phẩm để kiểm tra lần 3?
Theo Giấy đăng ký kiểm dịch ngày 17-8-2012 của Công ty thực phẩm cao cấp gửi Cơ quan thú y vùng II, thì nội dung đề nghị kiểm dịch là “lô hàng thịt bò, thịt cừu đông lạnh” - không có từ nào đề nghị kiểm dịch 8 loại sản phẩm. Dù biết không có quy định, Cơ quan thú y vùng II vẫn tiến hành lấy mẫu lần 3 kiểm tra.
Kết quả kiểm tra lần 3 thật ngạc nhiên, so với 2 lần kiểm tra trước toàn bộ số thịt bò cơ quan chức năng kết luận bị nhiễm “bẩn”, thì lần kiểm tra này chỉ còn lại hai sản phẩm (F.Beftenderloin và F.Befcuberolls là loại sản phẩm thăn nõn bò và bắp bò có tổng trọng lượng 5.566 kg) không đạt làm thực phẩm cho người.
Số thực phẩm “bẩn” đáng ra phải được xử lý theo qui định, tái xuất về nước xuất khẩu nhưng Cơ quan thú y vùng II thực hiện theo sự chỉ đạo của Cục Thú y cho phép chuyển số lượng thịt “bẩn” này sang làm thức ăn chăn nuôi theo đề nghị của doanh nghiệp.
Có sự tiếp tay ngầm?
Ngày 4-10-2012, Cục Thú y có Văn bản 1632/TY-KD chấp thuận cho chuyển số thực phẩm “bẩn” làm thức ăn chăn nuôi. Theo văn bản này Cơ quan thú y vùng II có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch (GCNKD) làm thực phẩm cho 5.963,68kg sản phẩm từ bò, cừu đông lạnh đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y (VSTY) và cấp GCNKD sản phẩm động vật làm thức ăn chăn nuôi cho 5.566,73kg thị bò đông lạnh không đạt tiêu chuẩn VSTY.
Tuy nhiên, khi chưa có văn bản đồng ý của Cục Thú y, ngày 29-9-2012 Công ty thực phẩm cao cấp đã ký hợp đồng bán số thịt bò “bẩn” trên cho Công ty cá sấu Việt Nam sử dụng làm thức ăn cho cá sấu.
Ngày 5-10-2012, Cơ quan thú y vùng II cấp 2 GCNKD theo chỉ đạo của Cục Thú y tại Văn bản 1632 nêu trên. Cùng ngày cơ quan này cho thông quan các sản phẩm - cả thịt “bẩn” lẫn thịt sạch khi chưa có quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ NNPTNT.
Theo ý kiến của chuyên gia ngành nông nghiệp: “Việc cấp GCNKD cho hàng hóa dùng làm thức ăn gia súc cũng phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn VSTY. Trong qui định không có văn bản nào cho phép cấp GCNKD cho hàng hóa không đảm bảo VSTY”.
Một tình tiết nữa cho thấy GCNKD sản phẩm động vật nhập khẩu không dùng làm thực phẩm do Cơ quan thú y vùng II cấp cho DN có sự mâu thẫu, dường như “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Cụ thể, phần “mục đích sử dụng” được ghi... “làm thức ăn cho cá sấu”, nhưng phần “chứng nhận kiểm dịch” lại ghi “...Sản phẩm chỉ được làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho lợn và gia cầm” - không phải cho cá sấu ăn?!
Những lo ngại...
Những việc làm theo kiểu «tiền trảm hậu tấu», mâu thuẫn tiền hậu bất nhất trong các văn bản, lấy mẫu kiểm tra lần 3 không có trong qui định, cho thông quan hàng sớm khi chưa có quyết định xử phạt... cho thấy cán bộ chức năng nắm luật nhưng lại làm.. chưa đúng luật. Nhưng điều làm dư luận lo ngại 5.566kg thịt bò «bẩn» sau đó đã được báo cáo là... cho cá sấu ăn hết trong tháng 10-2012 mà không có sự giám sát của cơ quan chức năng thú y.
Theo hồ sơ, báo cáo của Công ty cá sấu Việt Nam những ngày xuất số thịt «bẩn» cho cá sấu ăn chỉ có xác nhận của công ty này, không có đại diện cơ quan chức năng giám sát.
Ông Phùng Văn Mịch, kiểm dịch viên Cơ quan thú y vùng II thẳng thắn thừa nhận là... «Không thể canh doanh nghiệp cho cá sấu ăn cả ngày được»!
Liệu khi không có mặt cán bộ cơ quan chức năng giám sát, ai đảm bảo số thịt trên được sử dụng hết cho cá sấu ăn? Hơn nữa, người tiêu dùng còn lo ngại về nguy cơ lây chéo vi khuẩn hiếu khí, cliform trong cùng lô hàng thịt cừu, thịt bò trong quá trình vận chuyển, lưu trú ở cảng Hải Phòng bởi việc bóc tách kiểm tra 8 loại sản phẩm, ngoài các thùng được lấy mẫu kiểm tra phát hiện nhiễm vi khuẩn, thì các thùng sản phẩm khác không được kiểm tra có đảm bảo vệ sinh thú y?
Trong khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ NNPTNT đối với Công ty thực phẩm cao cấp, ngoài nội dung phạt số tiền 7,5 triệu đồng, thanh tra còn yêu cầu Cơ quan thú y vùng II “Thực hiện đúng Văn bản số 1574/TY-KD của Cục Thú y về quản lý, giám sát, xử lý, tiêu thụ sản phẩm đông lạnh, ướp lạnh nhập khẩu làm thực phẩm”, hoàn toàn không có đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả chuyển số thịt bò nhiễm vi khuẩn hiếu khí, cliform sang làm thức ăn cho cá sấu.
Doanh Chính