Lập lờ… núp danh…
Tất nhiên “Thanh Niên” không đồng ý cho thuê danh. Họ đã mang đến một cơ quan khác và một báo điện tử đã ra đời do cơ quan này làm “chủ quản”. Đó là một trong nhiều tổ chức báo chí tư nhân đang tồn tại trong thực tế mười mấy năm nay ở nước ta, họ hoạt động tương đối chuyên nghiệp, với lượng người đọc rất lớn.
Các cơ quan quản lý có nắm được không? Tôi cho rằng nắm được. Đề án quy hoạch các cơ quan báo chí cả nước cũng nhằm chấn chỉnh hiện tượng này. Nhưng với sự lớn mạnh tự thân của các cơ quan báo chí này, cũng như thế lực thực tế của các ông chủ đứng đằng sau, rất khó để chấn chỉnh hiện tượng trên. Hơn nữa, khi những cơ quan báo chí đã có lượng bạn đọc lớn, dẹp bỏ là điều có thể gây ra hậu quả khó lường.
Có ý kiến cho rằng, Đảng, Nhà nước nên sửa luật để cho phép báo chí tư nhân tồn tại, như thế các cơ quan chức năng càng dễ quản lý… Tất nhiên là pháp luật Việt Nam không công nhận báo chí tư nhân. Điều đó rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi cũng đồng quan điểm như vậy.
Chúng ta phải luôn ghi nhớ bài học từ sự đổ vỡ của Liên Xô và Đông Âu, bắt đầu từ việc “thả cửa” trên mặt trận báo chí-tư tưởng. Ngay từ thời điểm những năm 1986-1987, nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã đánh giá đó là cuộc “giải giáp tư tưởng đơn phương” của cách mạng XHCN ở Liên Xô và Đông Âu. Hơn nữa, mặt trái của báo chí tư nhân đã quá rõ ràng.
Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ít lần “điểm mặt, chỉ tên” những hãng truyền thông lớn của nước Mỹ là “giả tạo”, “rác rưởi”... có một thực tế khác là chỉ có 1% số dân siêu giàu của nước Mỹ nắm 90% của cải của đất nước, mà phần lớn các tờ báo, các tập đoàn truyền thông lớn đều nằm trong tay những tỷ phú siêu giàu này. Nhà báo Ben Bardikian viết trong cuốn sách “Độc quyền thông tin đại chúng”, viết: “Phần lớn những gì mà người Mỹ đọc trong các tờ báo của họ và nhìn màn hình đều là sản phẩm của một nhóm những công ty khổng lồ”.
Đó là bài học cho những ai ngây thơ nghĩ rằng báo chí tư nhân sẽ trung thực, khách quan...
Hồng Nguyễn