Lập lờ gây hấn

Xác tàu đổ bộ BRP Sierra Madre của Philippines tại bãi Cỏ Mây.

Giới học giả gọi các hành động của Trung Quốc trên biển trong những năm trở lại đây là chiến lược vùng xám - tuyên bố chủ quyền, đưa ra các quyền tài phán không có cơ sở - để hòng sở hữu những vùng biển vốn không thuộc về mình dù vi phạm luật pháp quốc tế. Vùng xám giờ đây được Bắc Kinh đẩy lên một cấp độ mới khi gây hấn một cách mạnh bạo hơn nhưng chưa tới mức sử dụng tới chiến tranh.

Tháng 2-2023, tàu Trung Quốc đã chiếu tia laze vào tàu Philippines. Một hành động sai hoàn toàn về quy tắc ứng xử của tàu thuyền trên biển. Ngày 5-8 vừa qua, tàu hải cảnh Trung Quốc lại sử dụng vòi rồng để phun nước, cản trở các tàu của Philippines tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre của nước này bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 1999, Hải quân Philippines chủ ý cho tàu đổ bộ này mắc cạn ở bãi Cỏ Mây rồi sử dụng tàu làm tiền đồn bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình ở đây. Bãi Cỏ Mây nằm cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km. Theo phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye vào năm 2016, bãi Cỏ Mây nằm trên thềm lục địa Philippines. Binh lính Philippines đóng ở đây trông cậy vào sự tiếp tế lương thực chủ yếu bằng đường biển và thỉnh thoảng là đường không. Do đó, nếu không được cung cấp hậu cần kịp thời, tính mạng của họ sẽ bị đe dọa.

         Về mặt quân sự, với việc chiếu tia laze, phun vòi rồng hay các biện pháp cản trở tàu của Philippines và các nước khác ở Biển Đông, Trung Quốc duy trì xung đột nhưng thận trọng tránh hành động chiến tranh trắng trợn. Đây là thế lập lờ, chờ phía bên kia mất bình tĩnh nổ súng trước để Trung Quốc có thể tạo cớ tấn công quân sự. Các tuyên bố chủ quyền tham vọng của Bắc Kinh đối với hầu như toàn bộ Biển Đông đã bị vô hiệu hóa bởi phán quyết của PCA năm 2016 nhưng điều đó không ngăn được các tàu Trung Quốc chiếu tia laze và phun vòi rồng hoặc thực hiện các cuộc diễn tập áp sát và phong tỏa tàu biển để khẳng định vị thế thống trị lãnh thổ của nước này.

        Trong khi những hành động như vậy đã bị lên án mạnh mẽ từ phía Philippines và các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản, Bắc Kinh không có ý định nhân nhượng và thường bảo vệ hành vi đó là hợp pháp và cần thiết để bảo vệ lợi ích của nước này. Ví dụ, Trung Quốc hối thúc Philippines thực hiện “lời hứa” kéo con tàu mắc cạn này đi. Trong chuyến công du Singapore và Malaysia vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị kêu gọi Philippines hợp tác với nước này để tìm kiếm phương cách hiệu quả để xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông, cảnh báo những “thế lực đen tối” tại Mỹ đang tìm cách hủy hoại sự ổn định của khu vực. Tổng thống Philippines - Ferdinand Marcos Jr đáp trả rằng nước này không biết gì về “lời hứa” đó và nếu có cam kết như vậy thì ông sẵn sàng hủy bỏ.

Vậy là, Bắc Kinh giờ đây biện minh cho hành động của mình là do Philippines không kéo tàu mắc cạn đi, trao cho Trung Quốc cái mà họ cho là của họ. Và như vậy, một khi tàu BRP Sierra Madre vẫn ở đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ có nhiều “chiêu” khác để quấy rối, gây sự. Trên thực tế, như nhiều quốc gia bị Trung Quốc gây chuyện trên biển, Philippines đã nhiều lần theo đuổi các con đường ngoại giao để khiếu nại, bao gồm cả việc triệu Đại sứ Trung Quốc về vụ việc vừa qua. Tuy nhiên, Philippines không leo thang quân sự. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc dường như ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về những gì nước này có thể đạt được - và không có khả năng ngừng gây thù địch với các nước láng giềng.

         Tuy gây thù địch như vậy nhưng vẫn có một số “lằn ranh đỏ” mà Trung Quốc sẽ không vượt qua, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí. Làm như vậy sẽ cho phép Manila đưa ra một phản ứng pháp lý mới chống lại Bắc Kinh - và nếu phán quyết của PCA năm 2016 là một dấu hiệu, thì một thách thức như vậy gần như chắc chắn sẽ chống lại Trung Quốc. Một cuộc tấn công vũ trang bất ngờ cũng sẽ kích động các đồng minh của Philippines như Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực đáp trả bằng vũ lực. Tuy nhiên, bằng cách làm mọi thứ, trừ một cuộc tấn công vũ trang, Trung Quốc có thể làm xói mòn dần khả năng phản ứng kịp thời và theo thời gian của Philippines và các bên khác. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia quen với việc bị “bắt nạt”.

         Dù Trung Quốc có lập lờ thế nào trong việc tranh chấp chủ quyền thì luật pháp quốc tế vẫn cần phải được tôn trọng. Phán quyết của PCA năm 2016 đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn có hiệu lực. Thế nhưng, khi Bắc Kinh dùng các biện pháp quấy rối, ngăn cản như sử dụng tia laze hay vòi rồng thì việc các nước bị o bế kiềm chế, khéo léo xử lý bằng biện pháp hòa bình là cần thiết bởi nếu không sẽ tạo cớ cho một cuộc xung đột lớn hơn, thậm chí là chiến tranh.

         Thanh Huyền