Lập công ngày đầu xuân
Chiều ngày 26-1-1973, Chỉ huy Trung đoàn 48 đang tập trung tổ chức cho Tiểu đoàn 1 tiến công căn cứ 30 bên đường 19 Tây thì nhận được chỉ thị của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320: Tổ chức lực lượng cơ động gấp đến khu vực Phú Mỹ trên đường 14 (cách thị xã Pleiku 20km về phía nam) phối hợp cùng Tiểu đoàn 12 (Tỉnh đội Gia Lai) đánh địch, chiếm giữ khu vực này trước giờ ngừng bắn có hiệu lực theo Hiệp định Paris! Chỉ huy Trung đoàn 48 thống nhất sử dụng Tiểu đoàn 2 và Đại đội 17 công binh đã từng tác chiến ở đây thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời phân công Trung đoàn phó Nguyễn Hữu Ưng và Phó Chính ủy Lý Sỹ Điềm cùng một số cán bộ cơ quan tổ chức Sở Chỉ huy nhẹ để chỉ huy thực hiện nhiệm vụ.
Ngay trong đêm, bộ phận chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 và Đại đội 17 lập tức hành quân. Mặc cho đêm tối, đường rừng, đèo dốc, các chiến sĩ vừa đi vừa chạy, đến sáng hôm sau thì đến nơi. Do đã thông thuộc địa hình khu vực và sự giúp sức của lực lượng tại chỗ nên vừa đến nơi, Sở Chỉ huy cùng các đơn vị nhanh chóng nắm được tình hình địch, thống nhất phương án, tổ chức hiệp đồng, xây dựng trận địa chiến đấu. Được sự hỗ trợ của du kích và đồng bào hai xã E14, E15 (huyện 5), từ chiều ngày 27 đến sáng hôm sau, hai tiểu đoàn 2, 12 và Đại đội 17 đã tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch, chiếm giữ được hơn 5km đường 14 từ ngã ba Phú Mỹ đến Bắc Mỹ Thạch trước 8 giờ ngày 28-1-1973 - thời điểm ngừng bắn có hiệu lực theo Hiệp định Paris.
Trong khi đó trên đường 19 Tây, trong ngày 27-1, Tiểu đoàn 1 cùng các lực lượng tăng cường đã diệt gọn Tiểu đoàn 23 (thiếu) cùng 3 xe tăng, một trận địa pháo 105mm… ở căn cứ 30, tiến xuống lập tuyến chốt chặn ở làng Yít sát đồn Tầm. Thế là, chỉ trong vòng một ngày hai đêm, Trung đoàn 48 (thiếu Tiểu đoàn 3) cùng với Tiểu đoàn 12 (Tỉnh đội Gia Lai), du kích và đồng bào huyện 5 đã giải phóng một vùng rộng lớn, nối thông hành lang các huyện phía Tây và Đông đường 14 của tỉnh.
Ngay sau đó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Trần Văn Thân và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 12 Huỳnh Bá Sỹ được lệnh khẩn trương tổ chức bộ đội và nhân dân dựng cổng chào, cột cờ, đồng thời sẵn sàng trừng trị các hành động phá hoại Hiệp định Paris của địch. Sau giờ ngừng bắn có hiệu lực, ở hai đầu đoạn đường 14 vừa làm chủ, cán bộ, chiến sĩ của hai tiểu đoàn đã cùng du kích và đồng bào địa phương dựng xong hai cổng chào và cột cờ. Địch vô cùng ngạc nhiên và tức tối trước sự xuất hiện của hai cổng chào cùng hai lá cờ khổ lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngạo nghễ tung bay ở khu vực Phú Mỹ và Bắc Mỹ Thạch trên đường 14, khẳng định chủ quyền của cách mạng; còn bộ đội và nhân dân ta thì tự hào và sung sướng trước thành quả đã giành được.
Bị mất một địa bàn quan trọng trên trục đường giao thông huyết mạch giữa Pleiku và Buôn Mê Thuột sát nách Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy ở Pleiku ngay trước giờ ngừng bắn nên địch rất tức giận. Vì vậy, chỉ một ngày sau, bất chấp lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực, địch tổ chức cho Chi đoàn 2 thuộc Thiết đoàn 21 (Lữ đoàn 2 kỵ binh) cùng 2 đại đội bảo an, với sự yểm trợ đắc lực của pháo binh và máy bay các loại, từ ngã ba Mỹ Thạch lên giải tỏa, nhưng đã bị các chiến sĩ Tiểu đoàn 12, có sự hợp sức của Tiểu đoàn 2 và Đại đội 17 công binh (Trung đoàn 48) trừng trị đích đáng. Qua 1 ngày chiến đấu, bộ đội ta đã diệt gần 70 tên địch, bắn cháy và phá hủy 6 xe quân sự, (có 2 xe tăng M41, 3 xe M113).
Cay cú trước thất bại nặng nề, sáng 2-2-1973 (mồng 4 Tết Nguyên đán), Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy lại bất chấp Hiệp định Paris đã có hiệu lực, ra lệnh cho Chi đoàn 3 gồm 6 xe tăng M.48, 8 xe bọc thép M.113 cùng 1 tiểu đoàn bảo an từ ngã ba Hàm Rồng kéo xuống quyết giành lại phần đất đã bị mất trên đường 14.
Sau khi cho máy bay và pháo oanh kích, đúng 10 giờ 15 phút, địch cho 4 xe tăng M48, 3 xe bọc thép M.113 cùng 2 đại đội bộ binh hùng hổ tiến vào. Từ vị trí chỉ huy, Đại đội trưởng Đại đội 5 Đỗ Ngọc Toản bình tĩnh theo dõi mọi hành động của địch. Khi chiếc xe tăng đi đầu chỉ còn cách hầm của anh chừng 100m thì xạ thủ B.41 Nguyễn Văn Hải nằm sát bên giương nòng súng lên. Toản năm tay Hải nói nhỏ: “Hãy chờ thêm chút nữa, lúc nào mình ra lệnh cậu mới được bắn”. 80m, 50m… chiếc xe tăng đi đầu chuẩn bị tiến vào vị trí tổ chốt tiền tiêu thì tiếng hô bắn của Đại đội trưởng vang lên. Hải siết cò. Sau tiếng nổ dữ dội, chiếc xe tăng bị vầng lửa da cam chụp lấy, bốc cháy. Ở bên phải, Trung đội trưởng Trung đội 1 Lê Bá Dong dùng súng B.41 bắn cháy chiếc thứ hai. Những chiếc sau hốt hoảng lùi lại. Bọn bộ binh địch như rắn mất đầu không biết bấu víu vào đâu. Đại đội trưởng Toản liền ra lệnh cho hỏa lực tập trung bắn vào đội hình địch; đồng thời lệnh cho Trung đội trưởng Lê Huy Bằng và Tiểu đội trưởng Trần Văn Đoàn dẫn hai tổ xuất kích đánh vào hai bên sườn đội hình địch. Quân địch lớp chết lớp bị thương, số còn lại bỏ chạy tán loạn. Địch liền cho 2 xe tăng M48 và 3 xe M113 dẫn một mũi bộ binh khác vòng sang phía Tây đường thọc vào sườn Đại đội 5 lại lọt vào trận địa chốt của Đại đội 6. Xạ thủ B.40 Nguyễn Đình Giáo chờ cho chiếc xe tăng đi đầu vào thật gần mới nổ súng. Xe tăng địch trúng đạn chồm lên rồi khựng lại bốc cháy dữ dội, nòng pháo của xe tăng địch chỉ cách hầm Giáo chưa đầy 20m. Chiếc xe tăng sau vòng sang phải tiến lên liền bị xạ thủ B.40 Nguyễn Văn Thuân tiêu diệt. Những xe sau vội quay đầu tháo chạy, nhưng 1 chiếc M.113 vấp mìn của Đại đội 17 công binh nổ tung. Chớp thời cơ, từ hai hướng, các chiến sĩ của hai đại đội 5 và 6 lao ra khỏi hầm truy kích diệt địch, bắt tù binh, thu vũ khí…
Thế là ngay trong ngày đầu tiên sau Tết Nguyên đán Qúy Sửu và cũng là ngày thứ 6 ngừng bắn có hiệu lực theo Hiệp định Paris, với tinh thần cảnh giác và ý chí quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 và Đại đội 17 công binh (Trung đoàn 48) đã lập công lớn, bắn cháy và phá hủy 5 xe tăng, thiết giáp (có 4 xe tăng M48), bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, trừng trị đích đáng hành động xâm lấn của địch, giữ vững vùng giải phóng.
Hùng Tấn