Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ
Dự lễ viếng có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Cùng dự lễ viếng có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Vòng hoa của các Đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 70 năm qua, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng, dân tộc Việt Nam, mãi mãi tỏa sáng, soi đường đưa đất nước ta tiến lên tầm cao mới, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tiếp đó, tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Vòng hoa của các Đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ”.
Cũng trong sáng 1-9, Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an Trung ương - Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Thành ủy - Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Đoàn Ngoại giao, Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ.
Cũng trong những ngày này Hà Nội đã sẵn sàng đón tết Độc lập, không khí lễ hội đậm đặc ở khu vực Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi 70 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945. Mọi tuyến đường xung quanh quảng trường được trang trí vô cùng lộng lẫy. Đến khu vực này, ký ức hào hùng của dân tộc như ùa về qua những thước phim tư liệu được phát trên màn hình lớn tại công viên Lê nin trên đường Điện Biên Phủ. Trước Quảng trường Ba Đình, lực lượng vũ trang cùng hàng trăm thanh, thiếu niên miệt mài luyện tập các công việc hướng dẫn, chuẩn bị cho ngày đại lễ; nhân viên môi trường cặm cụi cắt tỉa từng ngọn cỏ, quét dọn sạch sẽ từng góc phố, gốc cây. Cách Quảng trường Ba Đình không xa, hồ Hoàn Kiếm lung linh níu chân du khách. Trong khu phố cổ, hoạt động giao thương diễn ra sôi động dưới bóng cờ hoa.
Ngày 31-8, cán bộ ngành Văn hóa Hà Nội rà soát lại các điểm lắp đặt màn hình led, pano tấm lớn, pano inox ba mặt... phục vụ công tác tuyên truyền cổ động trực quan ở các quận, huyện, thị xã. Đến thời điểm này, ngành Văn hóa đã lắp dựng xong 8 cụm pano tấm lớn, 32 cụm pano inox ba mặt tại các vị trí trung tâm cùng hàng nghìn băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn, hàng chục sân khấu biểu diễn nghệ thuật lớn nhỏ... Cùng với việc trang hoàng đường phố, cổ động trực quan, mọi người, mọi ngành tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm cũng đang hoàn tất những phần việc cuối cùng. Tất cả đã sẵn sàng cho ngày lễ lớn diễn ra trang trọng, vui tươi. 12 màn hình led được lắp đặt tại 12 địa điểm là: 1) Vỉa hè vườn hoa tượng đài Lý Tự Trọng đường Quán Thánh, 2) Khu vực quảng trường cạnh tượng đài Lê Nin, 3) Ngã tư Cửa Nam - hàng Bông, 4) Nhà hát Kim Mã, 5) Sân vận động Mỹ Đình, 6) Cổng Công viên Thống Nhất đường Trần Nhân Tông, 7) Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, 8) Màn hình ba mặt nổi trên hồ Thủ Lệ, 9) Khu vực vườn hoa Cổ Tân, 10) Tượng đài Lý Thái Tổ, 11) Công viên Hòa Bình, 12) Vườn hoa Hàng Đậu.
Cũng trong ngày 31-8, khu di tích nhà và hầm D67 trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được bổ sung hiện vật trưng bày, hàng trăm lượt khách đã tới tham quan, tìm hiểu. Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Hồ Chí Minh là điểm đến thu hút du khách gần xa trong những ngày này. Người xem các tài liệu, hiện vật về Bác, người chăm chú đọc nội dung bản "Tuyên ngôn Độc lập" được treo tại vị trí trang trọng trong không gian triển lãm "70 năm xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh", người theo dõi các thước phim tư liệu lịch sử... Tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (148 Giảng Võ, Ba Đình), rất nhiều người đã tới tham quan, tìm hiểu thông tin, hình ảnh, tư liệu về 70 năm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tương lai tươi sáng của dân tộc. Đa số háo hức trước mô hình vũ khí hiện đại như tàu tên lửa, máy bay, tên lửa, mô hình nhà văn hóa đa năng trên đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, mô hình trạm kinh tế - khoa học - dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam trong gian trưng bày của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những hình ảnh về chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) với những ghe thuyền chất đầy hoa quả, lương thực, thực phẩm tượng trưng cho sự no đủ, yên bình... của vùng đất phương Nam; những làn điệu xẩm, ca trù, chèo, tuồng, cải lương... cho cảm xúc về đời sống tinh thần phong phú cùng truyền thống văn hóa ngàn đời vẫn trường tồn trên đất Việt hôm nay.
Ngày 2-9 sẽ có hơn 30.000 người tham gia diễu binh, diễu hành tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đây được gọi là nhiệm vụ A70. Các đơn vị đã chuẩn bị và luyện tập từ nhiều tháng tại Trung tâm huấn luyện quốc gia Miếu Môn, Sân bay Hòa Lạc, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đơn vị tập luyện lâu nhất là 4 tháng, nhanh nhất là 2 tháng.
Để chuẩn bị cho sự kiện lớn này, các lực lượng đã phải trải qua các lần hợp duyệt (lần đầu tiên vào ngày 10-8, lần thứ 3 tại Trung tâm huấn luyện Miếu Môn vào ngày 20-8). Sau 3 lần hợp duyệt, các lực lượng tiến hành sơ duyệt vào 26-8 cũng tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia Miếu Môn. Ngày 29-8 buổi tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành đã diễn ra tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Để phục vụ buổi tổng duyệt này, CA TP đã phải cấm xe ở 40 tuyến phố. Một số hình ảnh gồm:
Việc chuẩn bị vũ khí trang bị cho các khối cũng đã được Bộ Quốc phòng tiến hành chặt chẽ. Các khối như đặc nhiệm, cảnh sát biển, đặc công.. được trang bị loại súng tiểu liên AM-15 do Việt Nam sản xuất.
Trong lễ kỷ niệm sẽ có 25 khẩu pháo tham gia bắn 21 loạt, mỗi loạt 5 quả đạn trên nền nhạc Quốc ca. Việc bắn pháo lễ sẽ do Lữ đoàn Pháo binh Tất Thắng đảm nhiệm. Hiện nay khối bắn pháo lễ đã tổ chức luyện tập chu đáo. Động tác, kỹ thuật bắn pháo bộ đội đã thành thục.
Bài và ảnh: An Hà