Làng tôi đón Tết Trung thu
Ban đi đến từng gia đình để quyên góp tiền mua quà tết cho các cháu. Các cụ đong gạo nếp, nấu bánh chưng và đi tìm hiểu ở các quầy hàng bán bánh kẹo, để xem có bánh nào ngon, mẫu mã đẹp thì đăng ký trước để làm quà tết cho các cháu.
Xóm có đội múa rồng, sư tử, kỳ lân. Các cụ khéo tay sửa lại cho đẹp và cứ tối đến lại cho các cháu luyện tập. Rồi vận động cha mẹ, anh chị mua đèn ông sao, đèn kéo quân để chuẩn bị cho đêm rước quanh làng thêm đông vui. Sau khi rước vòng quanh làng, các cháu tập trung tại nhà văn hóa để trông trăng, phá cỗ, xem biểu diễn văn nghệ, rồi mới trở về phá cỗ cùng gia đình.
Đêm Trung thu năm nào cũng vậy, tôi được các cụ phân công kể cho các cháu nghe về Tết trung thu. Để vừa có tư liệu, vừa gắn được cổ tích với chuyện đời tôi phải sưu tập rất nhiều loại sách. Từ ngày có in-tơ-nét, sưu tầm nhàn hẳn đi.
Tôi thường kể cho các cháu nghe: “Trung thu là giữa mùa thu, thời tiết lúc đó rất mát mẻ, với cảnh trăng trong, gió mát… Các em đón tết còn có đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân sặc sỡ và được thắp sáng bằng những ngọn nến. Khi đi rước đèn ông sao, các em vừa mang đèn, vừa reo vui ca hát, cùng hòa nhịp với đội múa rồng, sư tử, hòa quyện với tiếng trống ếch “tùng rinh rinh, tùng rinh rinh…” càng làm cho khung cảnh mùa thu thêm rộn ràng tươi đẹp.
Đêm Trung thu khi đến giờ “hợi” (tức là 10 giờ đêm), trăng ở vị trí “cửa trời”, rất tốt cho việc ngắm trăng, mà theo tử vi gọi là: “Thái âm cư hợi”, hay còn gọi là: “Nguyệt lăng sương môn”. Lại đến giờ tí (tức là 12 giờ đêm) lúc này ta ngắm trăng sẽ thấy một vẻ đẹp của sự yên tĩnh… gọi là “Thái âm cư tí” tức là trăng ở “cửa biển”, thường rất sáng tỏ và xung quanh có mây ngũ sắc rất kì lạ, còn gọi là “Nguyệt minh sương hải”…
Theo khoa học thì trăng là khí thái âm kết tinh, ngược lại với mặt trời là khí dương kết tinh: Thái âm là hơi lạnh, thái dương là hơi nóng. Thái âm thần nữ ngự ở cung quảng hàn được làm toàn bằng ngọc lưu ly, trong suốt như pha lê và là vợ của thần Thái dương (tức mặt trời). Để có Tết Trung thu đẹp thì dân làng phải yên vui, đậm tình làng xóm; các cháu phải ngoan ngoãn, học giỏi…”.
Nghe tôi kể, các em rất say sưa và đầy hứng thú, vì đã hiểu được một phần nào, vì sao có Tết Trung thu đẹp.
Nguyễn Ngọc Thường